Tập làm văn lớp 4: Kể lại câu chuyện về lòng dũng cảm (8 mẫu) - Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia
8 mẫu kể chuyện về lòng dũng cảm hay nhất dành cho học sinh lớp 4, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo, biết cách chọn lọc và kể lại câu chuyện về lòng dũng cảm một cách sinh động và hấp dẫn.

Những câu chuyện về lòng dũng cảm không chỉ mang lại bài học quý giá mà còn khắc sâu những giá trị nhân văn, giúp chúng ta học hỏi và noi theo. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm các mẫu kể chuyện như Cây khế, Nàng tiên Ốc, Vịt con xấu xí... để trau dồi kỹ năng kể chuyện một cách hiệu quả:
Đề bài: Kể lại một câu chuyện về lòng dũng cảm mà em đã chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia.
Kể câu chuyện về lòng dũng cảm ngắn gọn
Mỗi khi ai đó hỏi em về tấm gương dũng cảm, em luôn nhớ ngay đến bác Hải - người hàng xóm đáng kính của mình.
Bác Hải là một người thợ làm vườn tài hoa. Khu vườn của bác lúc nào cũng rực rỡ sắc màu, là nguồn cung cấp hoa tươi cho nhiều cửa hàng trong thị trấn. Một ngày nọ, trên đường về nhà sau khi giao hoa, bác chứng kiến cảnh một người đàn ông hung hãn đang đánh đập một đứa trẻ nhỏ. Không chần chừ, bác Hải dừng xe và lao vào can ngăn. Dù người đàn ông kia say rượu và tỏ ra vô cùng hung dữ, bác vẫn kiên quyết không lùi bước. Bác tiến lại từ phía sau, nắm chặt tay kẻ hung hãn và kéo hắn ra xa khỏi đứa trẻ tội nghiệp. Bác Hải khống chế hắn, dù bị đánh mạnh vào chân nhưng vẫn không buông tay. Nhờ sự can thiệp kịp thời của bác, mọi người xung quanh đã cùng nhau đưa người đàn ông say rượu về nhà. Hành động dũng cảm của bác Hải khiến ai nấy đều cảm phục.
Với em, bác Hải chính là một người anh hùng thực thụ!
Kể câu chuyện về lòng dũng cảm - Mẫu 1
Hùng, người bạn thân thiết của em, chính là tấm gương sáng về lòng dũng cảm mà em luôn ngưỡng mộ và không ngừng học hỏi.
Lần đầu tiên em cảm thấy vô cùng khâm phục sự dũng cảm của Hùng là từ một sự việc xảy ra cách đây hai năm. Hồi đó, chúng em thường cùng nhau chơi bóng với các bạn trong xóm tại bãi đất trống gần nhà văn hóa. Gần đó là nhà của một bác thợ mộc nổi tiếng khó tính. Bác có vẻ ngoài cao lớn, bộ râu xồm xoàm, và khuôn mặt lúc nào cũng đỏ gay, trông rất dữ dằn. Bác thường xuyên quát mắng chúng em mỗi khi tiếng cười đùa vang lên vào buổi chiều muộn. Vì vậy, tất cả chúng em đều rất sợ bác. Cứ mỗi lần thấy bác đi làm về, cả nhóm đều ngừng chơi ngay lập tức.
Một lần, trong lúc chơi bóng, Hùng vô tình sút mạnh khiến quả bóng bay lệch về phía nhà bác thợ mộc và làm vỡ chậu hoa thủy tiên đặt trên bục trước sân. Chứng kiến sự việc, chúng em hoảng hốt bỏ chạy về nhà. Sau đó, em đến gặp Hùng và thấy cậu ấy rất lo lắng. Em đề nghị Hùng giấu chuyện này đi, vì nếu không ai nói thì bác thợ mộc sẽ không biết. Nhưng Hùng chỉ im lặng. Chiều hôm sau, em vô cùng ngạc nhiên khi thấy Hùng một mình bước vào sân nhà bác thợ mộc. Trước vẻ mặt đáng sợ của bác, Hùng run rẩy thừa nhận lỗi lầm của mình và xin lỗi. Hành động dũng cảm ấy của Hùng khiến em vô cùng bất ngờ và khâm phục. Cậu ấy đã vượt qua nỗi sợ hãi để đối mặt với sự thật. Điều khiến em ngạc nhiên hơn nữa là bác thợ mộc đã gật đầu và nhẹ nhàng xoa đầu Hùng. Bác khen Hùng là một cậu bé dũng cảm và trung thực. Sự việc đó đã thay đổi cách nhìn của chúng em về cả Hùng và bác thợ mộc.
Từ ngày hôm đó, Hùng trở thành người anh hùng nhỏ trong lòng em và các bạn. Em cũng tự nhủ với bản thân rằng phải dũng cảm hơn, biết thừa nhận những lỗi lầm của mình chứ không nên tìm cách lảng tránh chúng.
Kể câu chuyện về lòng dũng cảm - Mẫu 2
Trong cuộc sống, ai cũng có lúc mắc sai lầm. Điều quan trọng là chúng ta có đủ can đảm để nhận ra và sửa chữa những sai lầm đó hay không. Em và bạn của mình cũng đã từng phạm lỗi, nhưng chúng em đã dũng cảm thừa nhận và được tha thứ.
Gần nhà em có một khu vườn trồng cây ăn quả của bác Chính. Trong vườn có đủ loại cây: xoài, ổi, bưởi... Em thích nhất là cây ổi của bác. Đó là giống ổi găng, quả tuy nhỏ nhưng rất thơm, giòn và ngọt. Bác chăm sóc cây rất kỹ nên năm nào cây cũng sai trĩu quả. Năm nay cũng vậy, từng chùm ổi chín vàng lúc lỉu trên cành, tỏa hương thơm ngọt ngào mỗi khi gió thoảng qua. Mùi hương ấy khiến em và lũ bạn không thể cưỡng lại được. Một buổi trưa, em rủ bạn đi học sớm để nhân lúc vắng vẻ hái trộm vài quả ổi trong vườn. Con đường làng vắng tanh, không một bóng người. Em và Chiến, thằng bạn thân từ nhỏ, nhẹ nhàng trèo lên bờ tường rồi lẻn vào vườn. Chiến quay sang em hỏi khẽ:
- Mày có chắc là không có ai ở đây buổi trưa không?
- Tất nhiên, tao theo dõi mấy hôm nay rồi. Chẳng thấy ai cả! - Em trả lời.
- Ô kê, thế thì được!
Hai đứa tiến lại gần gốc ổi. Mùi hương thơm ngọt của ổi chín càng lúc càng quyến rũ. Em và Chiến trèo lên cây, hái từng chùm ổi nặng trĩu. Hai đứa vừa ăn vừa cười khúc khích, cảm giác sung sướng vô cùng. Nhưng đột nhiên, từ xa xuất hiện bóng người. Em và Chiến tái mặt. Thôi chết, bác Chính! Nếu bác bắt được, chắc chắn bác sẽ mách bố mẹ và nhà trường. Bác nổi tiếng là người khó tính trong làng. Em vội vứt chùm ổi xuống, kéo tay Chiến tụt xuống đất. Nhưng khi hai đứa vừa chạm đất, bác Chính đã xuất hiện ở cổng vườn. Bác quát lớn:
- Hai thằng nhóc, chúng mày ăn trộm đúng không?
Chưa kịp nghe thêm, em và Chiến đã nhảy qua tường chạy trốn. Em còn nghe thấy tiếng bác Chính kêu đau đớn. Chắc bác bị ngã khi đuổi theo chúng em. Cả buổi chiều hôm đó, em cứ lo lắng, sợ bác sẽ tìm đến trường hoặc nhà mách chuyện. Nhưng không, bác không làm gì cả. Cảm thấy day dứt, hôm sau em và Chiến quyết định sang nhà bác Chính. Khi đến nơi, thấy bác đang ngồi xoa chân tím bầm vì ngã. Em rụt rè bước lại gần nói:
- Bác ơi, hôm qua chúng cháu trót ăn trộm ổi của bác, làm bác bị ngã. Chúng cháu xin lỗi bác.
- Không sao! - Bác cười hiền từ. - Mấy đứa muốn ăn thì cứ xin, bác cho. Bác ghét nhất kẻ trộm cắp. Nhưng hai đứa biết nhận lỗi thế là tốt rồi!
Nói xong, bác chỉ vào góc cửa, nơi để một rổ ổi to, quả nào quả nấy tròn trịa, chín vàng, và bảo chúng em mang về. Hai đứa cười tít mắt, cảm ơn bác rồi xách rổ ổi về nhà.
Qua sự việc này, em nhận ra rằng, khi làm sai, chúng ta cần dũng cảm nhận lỗi. Chỉ có như vậy, chúng ta mới được tha thứ và trưởng thành hơn.
Kể câu chuyện về lòng dũng cảm - Mẫu 3
Bố em là một vận động viên bóng bàn xuất sắc của Công ty Giấy Bãi Bằng. Hầu như năm nào đi thi đấu, bố cũng giành được giải cao. Ba năm trước, bố được trao Huy chương Vàng và nhận phần thưởng là một chiếc bình cắm hoa bằng pha lê tuyệt đẹp. Bố rất trân quý chiếc bình ấy, chỉ đem ra sử dụng vào những dịp đặc biệt.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán. Bà nội em đi chợ mua lá gói bánh chưng. Vì bố mẹ em phải làm việc đến tận chiều hai mươi tám mới được nghỉ, nên ông nội bảo em cùng dọn dẹp và trang trí bàn thờ. Em mang bộ đồ thờ bằng đồng ra trước hiên để ông đánh bóng. Còn em nhận nhiệm vụ quét bụi và lau chùi những vật dụng bằng sứ như khay rượu, bình rượu, bát nhang, ấm chén...
Hai ông cháu vừa làm việc vừa trò chuyện vui vẻ. Ông kể cho em nghe về thời thơ ấu của mình, khi ông chỉ mong Tết đến để được mặc quần áo mới và nhận tiền mừng tuổi. Tết ngày xưa thật vui, với những hội làng kéo dài suốt tháng Giêng, đầy ắp các trò chơi dân gian như đánh đu, đấu vật, đua thuyền, thổi cơm thi, chọi trâu, đánh cờ người... Sau những ngày hội, tình cảm gia đình và làng xóm trở nên gắn bó hơn. Giọng kể của ông đầy hoài niệm, khiến em cảm nhận được nỗi nhớ và sự nuối tiếc của ông về một thời đã qua.
Dưới bàn tay khéo léo của ông, cặp hạc thờ, đôi chân nến, chiếc lư hương... dần dần sáng bóng như mới. Em cũng hoàn thành công việc của mình. Ông nhắc em sắp xếp mọi thứ vào chỗ cũ và dặn dò phải nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh đổ vỡ. Em miệng vâng dạ nhưng trong lòng lại nghĩ ông coi mình như trẻ con.
Mọi chuyện sẽ êm đẹp nếu em không tò mò nhấc chiếc bình pha lê lên và gõ thử xem tiếng kêu thế nào. Vừa gõ, em vừa hỏi ông: “Ông ơi, có phải tiếng thủy tinh thì đục, còn tiếng pha lê thì trong phải không ạ?”. Ông gật đầu xác nhận. Em gõ thêm một lần nữa rồi áp chiếc bình vào tai để nghe rõ hơn. Bỗng nhiên, chiếc bình tuột khỏi tay, rơi xuống đất vỡ tan. Ông giật mình thốt lên: “Thôi chết! Sao thế cháu?!”. Em sợ hãi, lắp bắp: “Cháu... cháu... ông ơi! Làm thế nào bây giờ ạ?”. Ông lắc đầu buồn bã: “Tiếc quá! Chiếc bình quý thế! Ông đã dặn cháu phải cẩn thận rồi mà!”. Em đứng chôn chân giữa đống mảnh vỡ, đầu óc quay cuồng, chân tay bủn rủn.
Có lẽ vì quá sợ hãi, em năn nỉ ông đừng nói với bố là em đánh vỡ, cứ đổ lỗi cho con mèo mướp. Không ngờ, ông nghiêm khắc bảo: “Cháu làm ông thất vọng! Có lỗi mà không dám nhận là hèn nhát. Đổ lỗi cho người khác lại càng tệ hơn. Theo ông, tối nay bố về, cháu nên xin lỗi bố. Chắc là bố cháu sẽ tha thứ. Chiếc bình quý thật đấy, nhưng lòng dũng cảm và sự trung thực còn đáng quý hơn nhiều, cháu ạ!”.
Em bật khóc trước lời khuyên chân thành của ông và thấm thía vô cùng! Tối hôm đó, sau bữa cơm, trước mặt cả gia đình, em khoanh tay, cúi đầu xin lỗi bố và chờ đợi cơn giận dữ. Nhưng bố chỉ nhẹ nhàng nói: “Bố quý chiếc bình lắm vì nó là kỷ niệm, nhưng chuyện đã rồi, tiếc cũng chẳng được. Bố mừng vì con dám nhận lỗi. Bố tha thứ cho con. Lần sau, làm gì con cũng nên cẩn thận".
Sau sự việc ấy, em rút ra nhiều bài học quý giá. Trong cuộc sống, không ai tránh khỏi sai lầm. Điều quan trọng là có đủ dũng cảm để nhận lỗi và sửa chữa hay không. Em sẽ mãi nhớ lời dạy của ông về sự trung thực, một phẩm chất cốt lõi của đạo làm người.
Kể câu chuyện về lòng dũng cảm - Mẫu 4
Hôm đó, chúng tôi học tiết đạo đức với chủ đề: Lòng dũng cảm. Sau khi đọc xong câu chuyện trong sách, cô giáo hỏi: "Có bạn nào muốn kể cho cả lớp nghe về một tấm gương dũng cảm mà các em biết không?" Rất nhiều cánh tay giơ lên, cùng tiếng xôn xao: "Em! Em!" Cô gọi Trúc, một bạn nữ ngồi ở dãy giữa, nhưng vẻ mặt bạn ấy trông rất buồn.
Trúc đứng lên trong sự chờ đợi của cả lớp. Chúng tôi không hiểu tại sao bạn ấy lại im lặng lâu như vậy. Bạn ấy thở dài, cố lấy lại bình tĩnh rồi bắt đầu kể: "Em thưa cô! Em muốn kể về mẹ của em. Mẹ em là người rất dũng cảm ạ!".
Cả lớp im lặng, vì ai cũng biết mẹ của Trúc đã qua đời từ đầu năm. Trúc kể tiếp: "Mẹ em năm nay 28 tuổi, là người chăm chỉ và luôn yêu thương bố con em. Mẹ lúc nào cũng tươi cười, chẳng bao giờ để bố con em thấy mẹ buồn. Một ngày nọ, mẹ bảo bố đưa mẹ đi khám vì mẹ thấy đi lại khó khăn. Bác sĩ nói mẹ phải chuyển xuống bệnh viện thành phố vì họ không thể chẩn đoán được bệnh. Trước khi đi, mẹ chuẩn bị đồ ăn cho cả ngày và nói với chúng em: 'Hôm nay bố mẹ đi chơi xa, chiều sẽ về. Các con đi học về, ăn cơm rồi trông nhà nhé!'. Hôm đó, mẹ về nhà trong mệt mỏi, nhưng vẫn mua quà cho hai chị em. Chúng em không biết mẹ bị bệnh nặng cho đến khi bà nội hỏi bố. Bố nói mẹ bị ung thư máu giai đoạn cuối, tủy và dây thần kinh đã bị phá hủy hoàn toàn. Bố cũng kể rằng mẹ đã chịu đựng rất lâu mà không nói ra vì sợ bố và các con lo lắng. Em muốn khóc khi nghe bố nói vậy, nhưng chỉ biết ngồi viết ra giấy những suy nghĩ của mình, không dám làm mẹ buồn.".
Những ngày cuối cùng, khuôn mặt mẹ Trúc tái nhợt, nhưng mẹ không bao giờ tỏ ra bực bội hay cau có. Bố nói: 'Nếu đau quá, em cứ khóc đi.' Nhưng mẹ chỉ mỉm cười và nói: 'Em không đau đâu, em vẫn ổn. Anh lo cho các con chu đáo thế, em rất yên tâm.'.
Ngày mẹ biết mình sắp ra đi, mẹ gọi hai chị em lại và nói: 'Mẹ sẽ xa các con một thời gian dài. Các con nhớ yêu thương nhau và đừng làm bố giận. Mẹ lúc nào cũng dõi theo các con. Mẹ rất hạnh phúc vì có các con!'. Rồi mẹ nhắm mắt lại, nhưng không hề khóc.
Kể đến đây, Trúc nghẹn ngào. Cả lớp cũng xúc động, không ai nói nên lời. Nhiều bạn đã cúi gục xuống bàn từ lâu.
Với Trúc và cả lớp, mẹ bạn ấy là một người dũng cảm. Dù biết mình không thể chiến thắng bệnh tật, mẹ Trúc vẫn luôn giữ vững tinh thần, không để bố con bạn ấy lo lắng. Đó là nỗi đau lớn với Trúc, nhưng em tin rằng bạn ấy sẽ tự hào và cố gắng vì có một người mẹ dũng cảm, người đã chiến thắng nỗi đau của chính mình.
Kể câu chuyện về lòng dũng cảm - Mẫu 5
Lòng dũng cảm là một phẩm chất cao quý của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, tinh thần ấy vẫn được gìn giữ và phát huy, tiêu biểu là tấm gương của anh Nguyễn Văn Nam ở Nghệ An, người đã hy sinh thân mình để cứu bốn bạn nhỏ giữa dòng nước xoáy.
Không chỉ gia đình em mà cả nước đều cảm phục trước tinh thần dũng cảm của anh Nguyễn Văn Nam, một học sinh lớp 12 tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Sự ra đi của anh để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng mọi người.
Ngày 30/4, cả nước nghỉ lễ kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong khi anh Nam đang đi bắt chim, bỗng nghe tiếng kêu cứu thất thanh từ phía bờ sông. Anh vội chạy ra và thấy những cánh tay đang vùng vẫy giữa dòng nước xoáy. Không chút do dự, anh lao xuống cứu người. Tổng cộng có bốn bạn nhỏ, sau khi đưa được ba bạn vào bờ, anh quay lại cứu bạn cuối cùng. Khi gần đến bờ, do kiệt sức, anh dùng hết sức đẩy bạn lên để ba bạn trên bờ kéo vào, còn bản thân anh bị dòng nước cuốn trôi. Các bạn vội gọi người cứu nhưng không kịp. Một thời gian sau, gia đình và lực lượng công an mới tìm thấy thi thể anh. Những hình ảnh trên báo và truyền hình cho thấy nỗi đau khắc sâu trên khuôn mặt gia đình anh Nam. Mọi người đều xúc động và đau xót trước sự hy sinh cao cả của anh. Anh còn ấp ủ ước mơ thi đỗ đại học để làm rạng danh gia đình, nhưng đã ra đi trong vinh quang, để lại niềm tiếc thương vô hạn.
Anh Nguyễn Văn Nam là tấm gương sáng về lòng dũng cảm, được nhà trường và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tuyên dương, khen thưởng. Hành động của anh như một lời nhắc nhở đối với những người sống thờ ơ, vô cảm, chỉ biết lo cho bản thân.
Anh Nguyễn Văn Nam xứng đáng là tấm gương sáng về lòng dũng cảm để chúng ta học tập và noi theo. Hành động của anh thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đạo lý làm người mà mỗi chúng ta cần gìn giữ.
Kể câu chuyện về lòng dũng cảm - Mẫu 6
Tôi đã từng đọc nhiều câu chuyện về lòng dũng cảm và nghe thầy giáo kể về những tấm gương anh hùng trong chiến đấu. Nhưng câu chuyện mà tôi sắp kể đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi, bởi chính tôi là người chứng kiến sự việc ấy.
Hôm đó, tôi và Tuấn cùng đi học về. Để về nhà, chúng tôi phải ra bến sông và qua đò. Lúc ấy khoảng năm giờ chiều, trời đầy mây đen và mưa lác đác. Bến đò vắng vẻ, chỉ có bác lái đò và một chú bộ đội đang chờ chúng tôi. Ai nấy đều vội vàng khoác áo mưa. Chiếc cầu gỗ bắc xuống đò rất trơn. Tôi cẩn thận đi trước, từng bước một, và đã xuống đến thuyền. Tuấn đi sau, nhưng giữa cầu, Tuấn trượt chân ngã nhào xuống nước và bị dòng sông đang mùa nước lớn cuốn đi. Nhanh như chớp, anh bộ đội vứt bỏ nón cối, áo mưa, và ba lô, rồi nhảy ùm xuống nước lao theo Tuấn. Chỉ vài nhịp bơi, anh đã đuổi kịp Tuấn, lúc ấy đang chới với giữa dòng nước. Anh quàng tay vào cổ Tuấn và bơi nhanh về phía thuyền. Bác lái đò chèo thuyền lại gần và kéo cả hai lên. Sự việc diễn ra nhanh chóng và bất ngờ. Tuấn chỉ bị sặc nước nhẹ, nhưng mọi nguy hiểm đã qua đi. Tôi thay mặt Tuấn cảm ơn anh bộ đội, nhưng anh chỉ mỉm cười hiền lành và nói:
- Mùa này nước lũ về, các em qua sông phải hết sức cẩn thận nhé.
Câu chuyện của tôi chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng tôi và có lẽ cả Tuấn nữa sẽ không bao giờ quên. Anh bộ đội mà chúng tôi chưa kịp biết tên thật sự là một người lính Cụ Hồ dũng cảm.
Kể câu chuyện về lòng dũng cảm - Mẫu 7
Lòng dũng cảm là một phẩm chất cao quý, không phân biệt tuổi tác hay giới tính. Em đã chứng kiến một tấm gương dũng cảm đáng khâm phục từ một cậu bé học sinh lớp 1.
Chiều hôm đó, sau giờ học, em ở lại tưới cây trong vườn hoa của lớp. Tình cờ, em thấy hai cậu bé lớp 1 đang chơi đá bóng gần cửa lớp. Mọi chuyện diễn ra bình thường cho đến khi một tiếng vỡ lớn vang lên. Chạy lại xem, em phát hiện một chậu xương rồng ở hành lang đã bị vỡ do quả bóng va vào. Ngay lập tức, thầy tổng phụ trách xuất hiện với vẻ mặt nghiêm nghị. Thầy hỏi hai cậu bé xem ai là người làm vỡ chậu cây. Thầy tổng phụ trách vốn nổi tiếng nghiêm khắc, khiến học sinh toàn trường đều e ngại. Ngay cả em, một học sinh lớp 4, cũng cảm thấy lo lắng. Hai cậu bé đều rơm rớm nước mắt vì sợ hãi. Nhưng rồi, một cậu bé đã bước lên phía trước, dũng cảm nhận lỗi với thầy. Em nhìn thấy bàn tay cậu bé run run nắm chặt vạt áo, chắc hẳn cậu ấy rất sợ bị phạt hoặc cảnh cáo trước toàn trường. Nhưng cậu ấy vẫn can đảm thừa nhận lỗi lầm của mình, không đổ lỗi cho bạn hay im lặng. Điều đó khiến em vô cùng ngạc nhiên. Sau khi cậu bé nhận lỗi, thầy tổng phụ trách nhắc nhở hai cậu không được chơi bóng trên hành lang và phạt hai cậu dọn dẹp phần chậu cây bị vỡ. Khi thầy rời đi, hai cậu bé vừa dọn dẹp vừa mỉm cười vui vẻ.
Trong nụ cười của cậu bé ấy, em thấy hình ảnh của một người anh hùng thực thụ, dũng cảm và đáng kính.
- Soạn bài Hoa bìm - Ngữ văn lớp 6 trang 69 sách Chân trời sáng tạo tập 1: Hướng dẫn chi tiết và sâu sắc
- Soạn bài Giờ Trái Đất - Ngữ Văn lớp 6 trang 97 sách Cánh Diều tập 1: Hướng dẫn chi tiết và sâu sắc
- Hướng dẫn Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 67 - Chân trời sáng tạo 6: Tài liệu Ngữ văn lớp 6 tập 1 chi tiết và sáng tạo
- Soạn bài Trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát - Ngữ văn lớp 6 trang 78 sách Chân trời sáng tạo tập 1
- Soạn bài Sự tích Hồ Gươm - Ngữ văn lớp 6 trang 22 sách Chân trời sáng tạo tập 1: Hướng dẫn chi tiết và sáng tạo