Tập làm văn lớp 4: Tả cánh diều tuổi thơ - 3 Dàn ý chi tiết và 11 bài văn mẫu hay nhất
TOP 11 bài văn Tả cánh diều tuổi thơ ĐẶC SẮC, kèm 3 dàn ý chi tiết, hỗ trợ học sinh lớp 4 trau dồi vốn từ, dễ dàng miêu tả hình ảnh cánh diều tuổi thơ bay bổng trên nền trời.

Cánh diều tuổi thơ là biểu tượng của những ước mơ, hy vọng và niềm hạnh phúc ngây thơ. Hình ảnh cánh diều lơ lửng trên bầu trời in đậm trong ký ức mỗi người. Em hãy miêu tả cánh diều tuổi thơ mà mình từng thấy, giúp người đọc hình dung rõ nét hơn. Mời các em cùng khám phá bài viết để nâng cao kỹ năng viết văn miêu tả trong chương trình Tập làm văn lớp 4.
TOP 11 bài văn Tả cánh diều tuổi thơ - Hướng dẫn chi tiết và mẫu văn hay
- Dàn ý Tả cánh diều tuổi thơ (3 mẫu)
- Tả cánh diều tuổi thơ ngắn gọn (5 mẫu)
- Tả cánh diều tuổi thơ chi tiết (6 mẫu)
Dàn ý Tả cánh diều tuổi thơ - Hướng dẫn chi tiết và mẫu văn hay
Dàn ý 1
1. Mở bài
- Giới thiệu về chiếc diều gắn liền với tuổi thơ
2. Thân bài
- Nguồn gốc:
- Ai là người tặng em chiếc diều?
- Cảm xúc lúc ấy của em như thế nào?
- Đặc điểm của chiếc diều:
- Hình dáng: Chiếc dù hình Đô-rê-mon vô cùng xinh xắn
- Chất liệu: Bằng vải
- Màu sắc, họa tiết: Màu xanh dương, thân diều in hình chú mèo Đô-rê-mon
- Cấu tạo:
- Phần khung diều làm bằng tre mỏng
- Áo diều làm bằng vải
- Đuôi diều dài làm bằng vải
- Kỉ niệm với chiếc diều:
- Gắn liền với những buổi chiều thả diều trên bãi cỏ
- Chứa đựng tiếng cười, kí ức tuổi thơ hồn nhiên
3. Kết bài
- Tình cảm của em với cánh diều tuổi thơ: Yêu thương, nhớ mãi không quên.
Dàn ý 2
a. Mở bài
Giới thiệu khái quát về con diều tuổi thơ: Con diều là người bạn tuổi thơ, gắn liền với tuổi thơ của các cậu bé nông thôn; cánh diều mang theo bao ước mơ, hi vọng của các em nhỏ….
b. Thân bài
- Tả bao quát chiếc diều: gồm ba phần: khung diều, thân diều, đuôi diều
- Tả chi tiết bộ phận:
- Khung diều làm bằng tre già và khô, giúp nâng đỡ và định hình chiếc diều
- Thân diều làm bằng giấy trắng, tạo lực cản đẩy diều lên cao, trang trí cho chiếc diều…
- Đuôi diều: làm bằng giấy nilon giúp giữ cân bằng cho diều.
c. Kết bài
- Những kỉ niệm của em gắn với cánh diều tuổi thơ
Dàn ý 3
a. Mở bài
- Giới thiệu chung về chiếc diều tuổi thơ.
b. Thân bài
- Tả hình dáng và các phần của cánh diều:
- Cánh diều hình chiếc thuyền, màu trắng trong suốt
- Thân diều được làm bằng những thanh tre vừa chắc khỏe vừa dẻo dai
- Bên ngoài những thanh tre đã được tạo thành khung ấy được dán một lớp ni lông trong suốt
- Bên cạnh thân diều, còn có một chiếc sáo bé bé, xinh xinh
- Để cánh diều ấy có thể bay cao trong gió mà không tuột đi mất cần có một sợi dây làm bằng dù
- Kỉ niệm gắn với cánh diều
- Mùa hạ, cùng bạn thả diều trên những triền đê
- Gửi gắm ước mơ theo những cánh diều
c. Kết bài
- Cảm xúc, suy nghĩ của em về cánh diều tuổi thơ: Gắn bó, yêu thương, mãi không quên

Tả cánh diều tuổi thơ ngắn gọn - Bài văn mẫu lớp 4 hay nhất
Bài văn mẫu 1
Tuổi thơ của chúng tôi được nâng lên từ những cánh diều. Chiều chiều trên bãi thả, không cứ gì chúng tôi, người lớn cũng hò hét nhau thả diều thi.
Diều của người lớn làm bằng cả dây tre, to mất người khiêng. Lúc thả lên trời, cánh diều khổng lồ ấy chao lắc như đảo đồng, ở dưới đất, đám người lớn có vẻ bị lùn đi một chút, đang ăn thua nhau từng tấc một...
Cánh diều của trẻ con chúng tôi mềm mại như cánh buồm, thanh sạch vì không hề vụ lợi. Trong khi người lớn chạy bật móng chân để rong diều thì đám mục đồng chúng tôi sướng phát dại nhìn lên trời. Sáo lông ngỗng vi vu trầm bổng. Sáo đơn rồi sáo kép, sáo bè... như gọi thấp xuống những vì sao sớm.
Ban đêm trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi... Người lớn về dần, bỏ mặc chúng tôi với bầu trời thảm nhung khổng lồ. Chúng tôi chỉ còn có trăng, sao và những cánh diều. "Bay đi, diều ơi, bay đi...!"
Bài văn mẫu 2
Nơi em sinh ra và lớn lên là một vùng quê thanh bình, tuổi thơ của em không chỉ gắn liền với những câu hát ru êm đềm, những trưa hè oi ả tiếng ve kêu mà còn in đậm hình ảnh những cánh diều, người bạn thân thiết trong những buổi chiều hè mát mẻ.
Năm em học lớp 3, bố đã tự tay làm cho em một chiếc diều. Chiếc diều được sơn màu vàng rực rỡ, đuôi diều điểm xuyết màu đỏ tươi, trông từ xa như lá cờ Tổ quốc đang tung bay giữa trời cao. Khung diều được làm từ tre và bọc bằng túi nilon chắc chắn, tuy không quá lớn nhưng mỗi lần thả diều, em đều cần bố giúp đỡ.
Mỗi buổi chiều, khi ánh nắng dịu dần, em lại cùng bố mang diều lên đê sau nhà. Em cầm dây, còn bố chạy thả diều lên trời. Những ngày gió mạnh, chiếc diều bay vút lên cao, lượn lờ giữa bầu trời bao la. Bố còn gắn thêm một chiếc sáo nhỏ trên đầu diều, tiếng sáo vi vu hòa cùng gió thổi, tạo nên khúc nhạc đồng quê đầy thi vị. Những ngày hè, em cùng bạn bè thả diều, những cánh diều đủ màu sắc bay lượn trên nền trời xanh, tiếng sáo ngân vang khắp làng quê yên bình, mang đến một mùa hè đáng nhớ.
Cánh diều ấy đã trở thành một phần tuổi thơ không thể quên của em. Dù không phải là thứ gì xa xỉ hay đắt giá, cũng chẳng phải những chuyến du lịch xa xôi, nhưng với em, cánh diều là món quà vô giá, chứa đựng biết bao kỷ niệm đẹp. Dù sau này có lớn lên, đi xa quê hương, em vẫn sẽ mãi nhớ về hình ảnh cánh diều tuổi thơ của mình.
Bài văn mẫu 3
Tuổi thơ của em gắn liền với những cánh diều quê hương, người bạn thân thiết trong những buổi chiều thả trâu.
Chiếc diều của em do bố tự tay làm, được sơn màu trắng tinh khôi với đuôi diều điểm nhấn màu đỏ rực rỡ. Khung diều làm từ tre nhà, chắc chắn và bền bỉ. Bề ngoài được bọc bằng giấy ni lông, đuôi diều dài vẫy trong gió trông thật uyển chuyển. Chiếc diều lớn đến mức cần hai người khiêng mới nổi.
Mỗi buổi chiều thả trâu, em cùng bạn bè lại rủ nhau thả diều. Em cầm dây, bạn chạy thả diều lên trời. Những ngày không có gió, chúng em đành ngậm ngùi nhìn diều nằm im. Nhưng vào những chiều hè gió lớn, tiếng sáo trên diều vi vu vang vọng khắp không trung. Có khi em còn để diều đậu qua đêm, sáng hôm sau mới thu về. Những kỷ niệm thả diều ấy đã trở thành một phần không thể quên trong tuổi thơ em.
Em yêu quý cánh diều tuổi thơ, nó không chỉ là trò chơi mà còn là kỷ niệm đẹp đẽ của thời niên thiếu.
Bài văn mẫu 4

Tuổi thơ em gắn liền với cánh đồng lúa bát ngát, rặng tre xanh mát, ao làng trong vắt và cả những cánh diều sáo vi vu trên nền trời quê hương.
Em sinh ra ở một làng quê yên bình, nơi không có tiếng ồn ào của xe cộ hay những tòa nhà cao tầng chọc trời. Em tự hào về quê hương mình, tuy nghèo nhưng giàu tình cảm. Hàng ngày, sau khi học bài, em được bố mẹ giao nhiệm vụ chăn trâu. Em thích thú với công việc này, và không bao giờ quên mang theo chiếc diều sáo bố tự tay làm. Chiếc diều nhỏ nhắn, hình thoi với đuôi dài, được bố tô điểm bằng những màu sắc rực rỡ. Gần đuôi diều, bố lắp một chiếc sáo nhỏ, mỗi khi diều bay lên, tiếng sáo vi vu vang vọng khắp cánh đồng. Dây diều làm bằng sợi dù trắng, cuốn vào cán gỗ để thả. Em yêu chiếc diều như một phần máu thịt, bởi nó không chỉ gắn bó với em mà còn chứa đựng tình cảm của bố. Mỗi lần chăn trâu, em thả diều lên trời, buộc dây vào cán gỗ và cắm xuống đất, chèn thêm vài hòn đá để diều không bay mất. Em ngồi trên lưng trâu, nghe tiếng sáo và ngắm nhìn cánh diều lượn lờ trên bầu trời bao la.
Tuổi thơ em cứ thế trôi qua, bình yên với tiếng sáo diều và những cánh diều bay lượn. Em tin rằng, dù sau này có đi xa, những kỷ niệm này vẫn sẽ mãi in đậm trong tim, mang lại cho em cảm giác hạnh phúc và bình yên.
Bài văn mẫu 5
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên bình. Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng bởi những cánh diều đơn sơ, tự tay tôi làm nên.
Chiều chiều, trên bãi cỏ ven làng, đám trẻ chúng tôi lại rủ nhau thả diều. Những cánh diều mềm mại như cánh bướm, bay lượn trên bầu trời rộng lớn. Chúng tôi ngước nhìn lên, lòng tràn ngập niềm vui khi nghe tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, sáo kép, sáo bè... như gọi mời những vì sao sớm xuống cùng chơi.
Ban đêm, bãi thả diều trở nên huyền ảo hơn bao giờ hết. Tôi có cảm giác cánh diều đang trôi trên dải Ngân Hà lấp lánh. Bầu trời tự do, đẹp như một tấm thảm nhung khổng lồ. Có một thứ gì đó cháy bỏng trong tâm hồn tôi, một khát vọng mãnh liệt. Tôi đã ngửa cổ suốt thời niên thiếu, mong chờ một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời, và luôn tràn đầy hy vọng khi tha thiết cầu xin: “Bay đi diều ơi! Bay đi!”. Cánh diều tuổi thơ ấy đã mang theo những ước mơ cháy bỏng của tôi.
Tả cánh diều tuổi thơ chi tiết - Bài văn mẫu lớp 4 đặc sắc
Bài văn mẫu 1

Ai là con dân đất Việt đều sẽ cảm thấy bồi hồi nhớ quê hương khi nghe đâu đó vang vọng giai điệu:
“Quê hương là cánh diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông.”
Tôi cũng bồi hồi nghĩ về những cánh diều bay lơ lửng giữa không trung, những cánh diều chiều hè lưu giữ bao kỉ niệm buồn vui.
Khi được bà ngoại đưa cho một chú đô-rê-mon bằng vải, tôi thích lắm. Nhưng tôi chẳng rõ mình có thể chơi thế nào với chú ta. Chú đô-rê-mon này có hình thù kì lạ. Chú chẳng làm bằng nhựa hay được nhồi bông như tôi từng thấy mà chú được dựng từ một bộ khung bằng tre. Người ta khéo léo may, dán những miếng vải sắc màu lên bộ khung đó. Chiều về, anh Bi – anh họ tôi đến và dẫn mấy anh em ra bãi cỏ ven sông. Hôm nay nắng lạ! Nắng ngớt chói chang, thay vào đó là những tia nắng dịu nhẹ. Gió thổi lớn. Đám chuồn chuồn đua nhau bay liệng giữa không trung. Anh tôi bảo đây là diều sáo. Hình đô-rê-mon đội hình tam giác là phần diều, đuôi chú đô-rê-mon là phần sáo. Chỉ cần có gió, cánh diều sẽ vi vút bay cao. Người ta thật khéo léo khi nối liền thân diều với một cuộn dây tròn. Dây được cuộn vào thanh gỗ to từng ngón tay cái. Khi một cơn gió đến, anh tôi từ từ thả chiếc diều lên cao. Anh cầm thanh gỗ nhả từng vòng dây. Chú đô-rê-mon lạ kì kia cứ thể bay lên tít trên cao, hòa vào đám chuồn chuồn. Tôi được cầm vào thanh gỗ, khẽ đưa tay thả dây. Mấy sợi vải ở các mép diều cứ phấp phới bay. Cánh diều rộng bằng cái chổi sể ban nãy bây giờ chỉ còn bằng chiếc quạt nan của bà. Chúng tôi cứ thế rong ruổi trên bãi cỏ để diều cứ chao cánh bay liệng.
Chiếc diều đô-rê-mon là món đồ chơi tôi thích nhất. Tôi chỉ mong hè mau tới để được thỏa mình vui cùng những cánh diều. Có lẽ vì diều đã gắn bó với tuổi thơ của chúng ta nên ai đó mới có câu ca “Quê hương là con diều biếc…”
Bài văn mẫu 2
Quê hương nào chẳng có cánh diều bay trong những ngày hè êm ả. Từ bao đời nay, thú chơi diều đã trở thành một trò chơi truyền thống của làng quê Việt Nam. Già, trẻ, lớn, bé ai mà chẳng có những kỷ niệm thiết tha. Tuổi thơ nào mà chẳng ôm ấp một cánh diều lộng gió trong cả những giấc mơ. Không hiểu sao, mỗi khi nhắc đến thời thơ ấu, người ta không thể không nhắc đến những cánh diều bay bay trong giai điệu ngân vang, réo rắt của sáo trúc. Phải chăng nó đã trở thành bóng hình dân tộc níu bước quay về những mảnh hồn đang sống xa quê.
Thú chơi diều rất đa dạng về hình thức, phong vị. Diều có chiếc nhỏ bằng cái quạt nan, có chiếc to bằng cánh phản. Có chiếc diều ta đưa bạn đua bè khóc ngằn ngặt để bố phải đi tìm sợi dây, mảnh giấy làm cho chơi trong chốc lát buổi chiều hè nắng vàng ruộm, gió vi vu. Cũng có những chiếc diều phải kỳ công gọt rũa, nắn khung, uốn dáng để trong buổi hội làng vinh dự đón mừng giải nhất cho rượu tràn, pháo nổ suốt đêm thâu. Khó tả làm sao cái cảm giác sung sướng đến bàng hoàng khi nắm chắc trong tay sợi dây dù căng níu một cánh diều trên bầu trời lộng gió. Cánh diều nâng giấc tuổi thơ, dìu những chú bé con vào trong giấc ngủ nhẹ nhàng, êm ái. Tiếng sáo trúc vi vu như điệu nhạc bổng trầm, thổi vào lòng ta tiếng nói tuổi thơ mà ta đã đi qua dẫu biết rằng không thể nào trở lại.
Ngày nay, chúng ta gần như không thể tìm được ở bất cứ nơi đâu trong thành phố của chúng ta một cánh diều mơ ước. Những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi trên thị trường đồ chơi xuất hiện những loại diều hiện đại bằng nilon, bằng vải đủ màu sắc, đủ kích cỡ thì những cánh diều của giấy phèn, của cật tre và sáo trúc đã không còn chỗ đứng. Muốn thoả mãn nỗi nhớ tuổi thơ, không còn cách nào khác là phải đạp xe gần hai mươi cây số sang Chèm hay Bắc Ninh vào những ngày hội thi diều.
Có lẽ vì vậy mà bây giờ ít có cậu bé nào ở thành thị còn lưu lại được trong ký ức tuổi thơ sâu nặng một cánh diều. Lấp vào những khoảng trống đó là tri thức của thời đại “ bão táp trí tuệ, công nghệ thông tin”. Giờ đây đọng lại trong trí óc của trẻ thơ không gì hơn là một lượng kiến thức đồ sộ của nhà trường và những trò chơi hiện đại như điện tử, vi tính hay những tập truyện tranh nhiều màu. Bên cạnh đó chúng ta cũng nhận thấy một điều rằng dù trẻ có muốn chơi diều thì điều kiện thành phố chúng ta cũng không cho phép.
Chúng ta thường gặp những biển báo cấm thả diều vì có đường dây điện chạy qua. Chúng ta biết rằng một đứa trẻ phát triển toàn diện không chỉ là có trình độ tri thức mà song song với nó còn là một thể chất và một tâm hồn khoẻ khoắn. Liệu trẻ còn giữ được một giấc ngủ nhẹ nhàng êm ái. Nhiều khi ngẫm lại thấy cuộc sống của lớp trẻ bây giờ hơn tuổi thơ của chúng ta ngày xưa nhiều lắm. Trẻ có đầy đủ điều kiện về cả vật chất và khoa học kỹ thuật để phát triển tài năng, trí tuệ. Thế mà dường như tâm hồn trẻ thì đang dần mất đi những nét văn hoá truyền thống quê hương. Thật khó tìm trong cuộc sống của chúng ta hôm nay một nét tài hoa về một thú chơi dân dã.
Những bàn tay như múa trên bàn phím vi tính đã thay thế rồi những bàn tay chẻ tre, gọt gỗ, khoét sáo, dựng khung… Xã hội đang chuyển động với nhịp độ mãnh liệt theo bước tiến của khoa học kỹ thuật, lớp trẻ cần phải học tập và rèn luyện để xứng đáng với vị trí chủ nhân đất nước tương lai. Nhưng nên chăng song song với điều đó hãy giữ lại cho trẻ một tuổi thơ ngập tràn những kỷ niệm êm đềm – một tuổi thơ bay bổng với cánh diều lồng lộng giữa trời xanh.
Bài văn mẫu 3
“…Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng…”
Đó là câu hát hết sức thân thuộc đã gắn bó với em trong suốt những ngày còn nhỏ. Cánh diều chính là người bạn tuổi thơ của mỗi một cậu bé nông thôn như em, cánh diều không chỉ là đồ chơi mà còn là đôi cánh mang theo nhiều ước mơ của em bay cao và bay xa.
Chiếc diều tuổi thơ của em đều do ông nội em tự tay làm. Diều của em gồm ba phần chính: Khung diều, thân diều và đuôi diều. Phần khung diều ông em đã sử dụng những đoạn tre già và khô nhất để làm diều nên chiếc diều của em đều rất chắc chắn. Bao bọc khung diều và tạo lực cản với gió để thổi cánh diều lên cao đó là thân diều. Thân diều được ông em dùng giấy trắng dán lên để chúng em có thể vẽ những hình hay tô màu chúng em thích cho chiếc diều. Phần đuôi diều ông dùng những dải dây nilong nhiều màu để trang trí cho chiếc diều và ông cũng nói với em đuôi diều rất quan trọng vì đuôi diều cũng giúp diều cân bằng, con diều muốn bay cao thì không chỉ thân và khung diều quan trọng mà đuôi diều cũng cần được tính toán và làm hợp lí.
Thân diều được ông nối rất chắc chắn với một cuộn dây dù rất chắc chắn để em có thể thoải mái cho diều bay cao mà không sợ đứt dây bay mất diều. Mỗi khi được nghỉ hè, chiều chiều em và các bạn trong xóm đều rủ nhau ra bãi để thả diều xem diều của ai bay cao nhất và em rất tự hào là chiếc diều của em thường xuyên được về nhất. Việc thả diều cũng làm em cảm thấy rất thoải mái, mỗi khi diều đã lên cao em và chúng bạn đều cùng nhau ngồi xuống vừa giữ diều vừa kể cho nhau nghe về những ước mơ của mỗi đứa, em luôn mong rằng mọi mơ ước của tụi em đều thành hiện thực.
Cánh diều tuổi thơ không chỉ người bạn tuổi thơ mà còn là nơi giữ lại những kỉ niệm của em với chúng bạn, là nơi giữ nhiều kỉ niệm ngày bé của em với ông nội. Em vẫn luôn cất những chiếc diều ông tự tay làm cho em để có thể chơi khi nhớ và để giữ lại những kỉ niệm đẹp với những người thân yêu đó.
Bài văn mẫu 4
Tuổi thơ của đám trẻ nông thôn chúng tôi luôn gắn bó với cánh diều tuổi thơ đẹp đẽ. Cánh diều bay cao, bay cao vút như muốn đưa ước mơ của chúng tôi bay xa mãi. Cánh diều không chỉ là trò chơi bổ ích mà còn chắp cánh cho những ước mơ mãnh liệt của tuổi thơ.
Từ ngày còn bé, tôi đã mê mẩn những cánh diều bay lượn trên bầu trời xanh biếc. Bố hứa rằng nếu tôi học giỏi, cuối tháng bố về sẽ làm cho tôi một chiếc diều. Tôi ngoan ngoãn nghe lời, và rồi bố đã làm tặng tôi một chiếc diều tuyệt đẹp. Chiếc diều hình thoi không quá lớn, được làm từ tre già chắc chắn. Bố dán giấy trắng cắt tỉ mỉ lên khung diều và dạy tôi cách vẽ những hình ảnh ngộ nghĩnh lên đó. Phần đuôi diều được bố làm rất cẩn thận, gắn thêm một chiếc sáo nhỏ xinh để khi gặp gió, nó sẽ phát ra tiếng sáo réo rắt – âm thanh của tuổi thơ. Dây diều cũng được chọn lựa kỹ càng, phải là dây dù mảnh hoặc dây cước trắng muốt để diều bay cao mà không bị đứt.
Hằng ngày, sau giờ học, tôi cùng đám bạn chạy ra triền đê dài tít tắp. Sau khi buộc trâu chắc chắn, chúng tôi đợi gió và thả những cánh diều của mình. Tôi yêu quý chiếc diều của mình, không chỉ vì nó là món quà bố tặng mà còn vì nó là một phần tuổi thơ của tôi. Cánh diều bay cao, tiếng sáo vi vu vang lên thật vui tai. Đám bạn ai cũng thích chiếc diều này vì nó không chỉ đẹp mà còn bay rất cao. Tôi luôn cảm thấy tự hào khi khoe chiếc diều với bạn bè.
Tôi giữ gìn chiếc diều rất cẩn thận, mỗi lần chơi xong đều cất ngăn nắp vào tủ. Cánh diều với bao kỷ niệm đã bồi đắp tâm hồn tôi. Dù có nhiều món đồ chơi đắt tiền, nhưng với tôi, cánh diều luôn là món quà quý giá nhất.
Bài văn mẫu 5
Tuổi thơ của mỗi người chúng ta ai ai cũng có những kỉ niệm thật đẹp với biết bao đồ vật thân thương, và tuổi thơ của em cũng vậy. Tuổi thơ của em gắn liền với những triền đê cỏ xanh mướt và cánh diều vi vu suốt những ngày hè.
Không giống như những bạn cùng trang lứa, cánh diều của em không phải mua từ chợ mà được chính tay ông ngoại – người thương yêu em nhất – làm cho. Diều có nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau, và diều của em có hình chiếc thuyền, màu trắng trong suốt, trông rất đẹp. Chiếc diều không quá lớn, vừa đủ để em cầm, được ông ngoại cắt dán tỉ mỉ. Thân diều làm bằng những thanh tre vừa chắc khỏe vừa dẻo dai, được ông lựa chọn kỹ lưỡng. Bên ngoài khung tre được dán một lớp ni lông trong suốt, giúp diều nhẹ nhàng bay cao. Bên cạnh thân diều còn có một chiếc sáo nhỏ xinh, mỗi khi diều bay lên, tiếng sáo vi vu vang lên êm tai. Để diều không bị tuột, ông dùng một sợi dây dù chắc chắn, cuốn chặt vào một ống hoặc que gỗ.
Mỗi buổi chiều hè, em cùng lũ bạn thả diều trên triền đê gần nhà. Em cầm dây, bạn cầm diều và chạy để diều bay lên. Chiếc diều theo gió bay cao, hòa cùng tiếng sáo vi vu, như mang theo ước mơ của lũ trẻ chúng em bay xa đến những chân trời mới đầy thú vị. Những buổi chiều thả diều cùng bạn bè đã trở thành kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ trong em.
Cánh diều là món đồ chơi gần gũi và tuyệt vời. Dù sau này lớn lên, rời xa quê hương, hình ảnh cánh diều và những buổi chiều thả diều cùng bạn bè sẽ mãi in đậm trong tâm trí em.
Bài văn mẫu 6
Tuổi thơ của em gắn liền với những cánh diều quê hương, những người bạn thân thiết trong những buổi chiều thả trâu. Những cánh diều ấy không chỉ là trò chơi mà còn là kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.
Chiếc diều hình cánh chim do bố em tự tay làm, được sơn màu trắng tinh khôi, nổi bật trên nền trời xanh. Đuôi diều màu đỏ rực rỡ, giúp dễ dàng nhận biết khi bay cao. Bố em dùng tre nhà để làm khung diều, khiến nó vừa chắc chắn vừa bền bỉ. Bề ngoài diều được bọc bằng giấy ni lông, còn đuôi dài uốn lượn như dải lụa mềm mại. Chiếc diều lớn đến mức cần hai người khiêng, nhưng đó cũng là niềm tự hào của em. Không chỉ em, mà cả những người lớn tuổi cũng say mê ngắm nhìn những cánh diều chao lượn trên bầu trời.
Mỗi buổi chiều, em cùng bạn bè rủ nhau thả diều. Em cầm dây, còn Tân cầm diều chạy đà để đưa diều lên cao. Có những ngày không có gió, chúng em dù cố gắng cũng không thể nào đưa diều bay lên. Nhưng vào những chiều hè mát mẻ, khi gió thổi nhẹ, tiếng sáo diều vi vu vang lên, chúng em nằm dưới bóng tre, ngước nhìn những cánh diều bay lượn. Em ước mơ những hoài bão của mình cũng sẽ bay cao như cánh diều ấy. Tiếng sáo diều như hòa vào không gian, mang theo bao kỷ niệm. Thả diều là niềm vui khó quên, và em sẽ mãi nhớ những khoảnh khắc tuyệt vời ấy.
Em yêu quý những cánh diều tuổi thơ, chúng không chỉ là trò chơi mà còn là một phần ký ức đẹp đẽ của em. Những cánh diều ấy đã đồng hành cùng em trong những năm tháng hồn nhiên, để lại dấu ấn khó phai trong lòng.
- Soạn bài Đánh thức trầu - Ngữ văn lớp 6 trang 119 sách Chân trời sáng tạo tập 1: Hướng dẫn chi tiết và sáng tạo
- Hướng dẫn Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 17 - Chân trời sáng tạo 6: Ngữ văn lớp 6, tập 2
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 96 - Chân trời sáng tạo 6Trong chương trình Ngữ văn lớp 6, trang 96 sách Chân trời sáng tạo tập 1, học sinh sẽ được hướng dẫn thực hành tiếng Việt một cách chi tiết và sáng tạo. Bài học này không chỉ giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản mà còn phát triển kỹ năng ngôn ngữ thông qua các bài tập thực hành đa dạng. Hãy cùng khám phá và nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt của mình một cách hiệu quả nhất!
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 121 - Chân trời sáng tạo 6: Hướng dẫn chi tiết Ngữ văn lớp 6 tập 1
- Bộ đề ôn tập giữa kỳ 2 môn Tiếng Việt lớp 4 theo sách Chân trời sáng tạo: 3 đề thi kèm đáp án và ma trận chi tiết cho năm học 2023 - 2024