Soạn bài 'Ai đã đặt tên cho dòng sông' - Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 11, trang 11 sách Chân trời sáng tạo tập 1
Tác phẩm 'Ai đã đặt tên cho dòng sông?' của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những tác phẩm văn học tiêu biểu được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 11, mang đến những góc nhìn sâu sắc về văn hóa và lịch sử.

EduTOPS mang đến tài liệu Soạn văn 11: Ai đã đặt tên cho dòng sông?, giúp học sinh nắm vững kiến thức và chuẩn bị bài học một cách tốt nhất. Tham khảo ngay!
1. Hướng dẫn soạn bài 'Ai đã đặt tên cho dòng sông?' chi tiết và đầy đủ nhất
1.1 Tác giả
- Hoàng Phủ Ngọc Tường, sinh năm 1937 tại thành phố Huế, là một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm giàu chất trữ tình và triết lý.
- Quê gốc của ông thuộc làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nơi đã in đậm dấu ấn trong nhiều tác phẩm của ông.
- Ông hoàn thành bậc Trung học tại Huế, sau đó theo học và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn (1960) và Đại học Huế (1964).
- Năm 1966, Hoàng Phủ Ngọc Tường rời bỏ cuộc sống thành thị, lên chiến khu tham gia kháng chiến chống Mỹ thông qua hoạt động văn học nghệ thuật.
- Ông từng giữ các vị trí quan trọng như Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình - Trị - Thiên và Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
- Hoàng Phủ Ngọc Tường được biết đến là một nhà văn chuyên về thể loại bút ký, với lối viết sâu sắc và giàu cảm xúc.
- Các tác phẩm của ông là sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều, được xây dựng từ nền tảng kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử và địa lý.
- Một số tác phẩm tiêu biểu của ông bao gồm: 'Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu' (1971), 'Rất nhiều ánh lửa' (1979), 'Ai đã đặt tên cho dòng sông' (1986), và 'Hoa trái quanh tôi' (1995).
1.2 Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
- Tác phẩm được viết tại Huế vào ngày 4 tháng 1 năm 1981, sau đó được in trong tập sách cùng tên.
- Bài bút ký gồm ba phần, đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc phần đầu tiên.
b. Bố cục
Gồm 2 phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở”: hành trình của sông Hương.
- Phần 2. Còn lại: sông Hương - dòng sông của lịch sử và thơ ca.
c. Tóm tắt
Trong số những dòng sông đẹp trên đất nước, sông Hương là dòng sông duy nhất thuộc về một thành phố. Ở thượng nguồn, sông Hương như một bản trường ca của rừng già, mang vẻ đẹp mãnh liệt và hoang dại với những ghềnh thác và vực sâu bí ẩn. Khi về đồng bằng, sông Hương trở nên thơ mộng, say đắm lòng người. Hai bên bờ sông rực rỡ sắc đỏ của hoa đỗ quyên. Dòng sông uốn lượn mềm mại như tấm lụa, cảnh đẹp như bức tranh sống động giữa hai dãy đồi sừng sững. Sông Hương mang vẻ đẹp biến ảo: “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Khi chảy qua thành phố Huế, sông Hương trôi chậm rãi, lặng lờ như điệu slow. Sông Hương trở thành người tài nữ đánh đàn trong đêm khuya, gắn liền với lịch sử và thơ ca.
d. Ý nghĩa nhan đề
Nhan đề “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một câu hỏi, thể hiện sự độc đáo và sâu sắc. Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn hướng người đọc khám phá nguồn gốc và ý nghĩa của dòng sông Hương. Tên gọi “sông Hương” bắt nguồn từ huyền thoại về người dân làng Thành Chung, nơi họ nấu nước trăm loài hoa đổ xuống dòng sông để làn nước mãi thơm tho. Nhan đề không chỉ gợi nhớ về nguồn gốc mà còn thể hiện niềm tự hào về văn hóa và lịch sử của vùng đất Huế.
Qua nhan đề, tác giả còn bày tỏ lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước đã khai phá và gìn giữ vùng đất này. Đó là niềm tự hào sâu sắc về quê hương, đất nước. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” không chỉ là một câu hỏi mà còn là thông điệp về sự gắn bó, trân trọng và yêu thương dành cho dòng sông Hương và văn hóa Huế.
1.3 Đọc hiểu
a. Dòng sông thiên nhiên
- Ở thượng nguồn: Sông Hương hiện lên như “bản trường ca của rừng già”, “cô gái Di gan phóng khoáng”, “người con gái của rừng già”, và “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”.
- Từ thượng nguồn đến Huế: Sông Hương như một cô gái lần đầu rơi vào tình yêu, vừa e thẹn, ngại ngùng, vừa chủ động, táo bạo.
- Trong lòng thành phố Huế: Sông Hương như “một người con gái đắm say tình tứ khi bên người mình yêu”, hay như “một tài nữ đánh đàn trong đêm khuya”.
- Từ biệt Huế ra biển: Sông Hương như một cô gái lưu luyến, thủy chung khi từ biệt người yêu.
=> Tác giả cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương qua lăng kính tình yêu, khiến dòng sông hiện lên như một người con gái chung tình, hết lòng vì tình yêu.
b. Dòng sông lịch sử
- Sông Hương là nhân chứng lịch sử của Huế và đất nước: “soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ”, chứng kiến những mất mát đau thương của các cuộc khởi nghĩa thế kỉ XIX.
- Sông Hương như một công dân có ý thức trách nhiệm sâu sắc với đất nước: “biết hiến đời mình để làm nên chiến công”, gắn bó với Huế qua nhiều cuộc chiến đấu anh hùng từ thời trung đại đến cách mạng tháng Tám.
c. Dòng sông văn hóa
- Sông Hương là “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”: Toàn bộ âm nhạc cổ điển Huế, những bản đàn theo suốt cuộc đời Kiều và bản Tứ đại cảnh đều được sinh thành trên sông nước sông Hương.
- Người tài nữ đánh đàn trong đêm khuya: Vẻ đẹp của sông Hương không bao giờ lặp lại trong cảm hứng của các thi nhân.
=> Sông Hương là hiện thân của người con gái phóng khoáng, chung thủy trong tình yêu, anh dũng kiên cường trong lịch sử, tài hoa sáng tạo trong âm nhạc và văn hóa, khiêm nhường trong đời thường. Đó chính là vẻ đẹp của người con gái Huế.
1.4 Tổng kết
- Nội dung: Đoạn trích từ bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một áng văn xuôi giàu chất thơ, khắc họa vẻ đẹp của sông Hương một cách sâu sắc và tinh tế.
- Nghệ thuật: Sức hấp dẫn của bài văn đến từ cảm xúc chân thành, sâu lắng, được kết tinh từ vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử và văn chương, cùng lối viết tao nhã, hướng nội, tinh tế và đầy tài hoa.
2. Hướng dẫn soạn bài 'Ai đã đặt tên cho dòng sông?' ngắn gọn và hiệu quả
2.1 Trước khi đọc
Câu 1. Bạn đã biết gì về Huế? Hãy chia sẻ với các bạn về điều đó.
Hướng dẫn giải:
- Thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm ở vùng Đồng bằng duyên hải miền Trung.
- Huế từng là kinh đô của nước ta dưới thời Tây Sơn và triều Nguyễn.
- Hiện nay, Huế là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch nổi tiếng của miền Trung.
…
Câu 2. Dựa vào nhan đề và hình ảnh minh họa, bạn dự đoán gì về nội dung của văn bản?
Hướng dẫn giải:
Nội dung của văn bản sẽ xoay quanh dòng sông Hương, khám phá vẻ đẹp và ý nghĩa của nó đối với Huế.
2.2 Đọc văn bản
Câu 1. Đoạn văn này miêu tả khúc sông nào của dòng sông Hương? Nét đẹp riêng của khúc sông này là gì?
Hướng dẫn giải:
- Đoạn văn miêu tả sông Hương ở thượng nguồn.
- Nét đẹp của khúc sông này: hoang dại, bí ẩn nhưng cũng có lúc dịu dàng, say đắm.
Câu 2. Bạn hình dung như thế nào về hình ảnh sông Hương qua đoạn văn này?
Hướng dẫn giải:
Sông Hương hiện lên như một cô gái lần đầu rơi vào tình yêu, vừa e thẹn, ngại ngùng, vừa chủ động, táo bạo.
Câu 3. Qua đoạn văn này, tác giả đã thể hiện tình cảm gì?
Hướng dẫn giải:
Tác giả thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó sâu sắc với dòng sông Hương.
Câu 4. Bạn hiểu gì về mối quan hệ giữa sông Hương với Huế qua câu văn: “Quả đúng như vậy .... của những mái chèo khuya”?
Hướng dẫn giải:
Sông Hương gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa và tinh thần của người dân xứ Huế.
Câu 5. Bạn hiểu như thế nào về hình ảnh “Sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc” trong đoạn này?
Hướng dẫn giải:
Sông Hương hiện lên như một chứng nhân lịch sử, gắn bó sâu sắc với những thăng trầm hào hùng của dân tộc.
2.3 Sau khi đọc
Câu 1. Thực hiện các yêu cầu dưới đây:
a. Chỉ ra bố cục của văn bản và nêu nội dung của từng phần.
b. Nêu một số chi tiết cho thấy hình tượng sông Hương trong văn bản được miêu tả từ nhiều góc nhìn khác nhau (thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, ...).
c. Liệt kê một số từ ngữ, câu văn cho thấy sự hiện diện của cái “tôi” của tác giả trong văn bản.
d. Phân tích vẻ đẹp của sông Hương được miêu tả trong một đoạn văn của văn bản.
Hướng dẫn giải:
a. Bố cục và nội dung của từng phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở”: Hành trình của sông Hương.
- Phần 2. Còn lại: Sông Hương - dòng sông của lịch sử và thơ ca.
b. Một số chi tiết cho thấy hình tượng sông Hương trong văn bản được miêu tả từ nhiều góc nhìn khác nhau:
- Thiên nhiên:
- Ở thượng nguồn: Sông Hương là “bản trường ca của rừng già”, “cô gái Di gan”, “người con gái của rừng già”, “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”.
- Từ thượng nguồn đến Huế: Sông Hương như người con gái lần đầu đến với tình yêu, vừa e thẹn, ngại ngùng, vừa chủ động, táo bạo.
- Trong lòng thành phố Huế: “Như một người con gái đắm say tình tứ khi bên người mình yêu”; người con gái tài hoa “tài nữ đánh đàn trong đêm khuya”.
- Từ biệt Huế ra biển: Sông Hương như một cô gái lưu luyến, thủy chung từ biệt người yêu.
- Lịch sử:
- Một nhân chứng lịch sử của Huế và đất nước: “soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ”, chứng kiến những mất mát đau thương của các cuộc khởi nghĩa thế kỉ XIX.
- Một công dân có ý thức trách nhiệm sâu sắc với đất nước: “biết hiến đời mình để làm nên chiến công”, gắn bó với Huế qua nhiều cuộc chiến đấu anh hùng từ thời trung đại đến cách mạng tháng Tám.
- Văn hóa:
- Là “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”: Toàn bộ âm nhạc cổ điển Huế, những bản đàn theo suốt cuộc đời Kiều và bản Tứ đại cảnh đều được sinh thành trên sông nước sông Hương.
- Người tài nữ đánh đàn trong đêm khuya: không bao giờ lặp lại trong cảm hứng của các thi nhân…
c. Một số từ ngữ, câu văn cho thấy sự hiện diện của cái “tôi” của tác giả trong văn bản:
- Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất.
- Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố…
- Đã nhiều lần tôi thất vọng khi nghe nhạc Huế giữa ban ngày, hoặc trên sân khấu nhà hát.
d. Gợi ý:
- Đoạn văn: "Trong những dòng sông... núi Kim Phụng".
- Phân tích:
Một trong những tác phẩm đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường là “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Nổi bật trong tác phẩm là hình tượng dòng sông Hương, đặc biệt nhất là khi ở thượng nguồn.
Tác giả đã khắc họa sông Hương ở thượng nguồn với hai nét đẹp: mãnh liệt hoang dại nhưng cũng đầy dịu dàng và say đắm. Hành trình của Hương giang cũng giống như mọi con sông khác - bắt đầu từ thượng nguồn - nơi mà trong cảm nhận của nhà văn, giống như “bản trường ca của rừng già”. Quả là như vậy, con sông ở đây đã gắn liền với dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Nó mang trong mình vẻ đẹp mạnh mẽ với sức mạnh nguyên sơ bản năng: “rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”. Phép tu từ so sánh kết hợp với động từ mạnh và lối điệp cấu trúc đã khiến con sông hiện lên giống như một bản nhạc giàu cung bậc của thiên nhiên. Nhưng bản trường ca ấy không chỉ hào hùng, mà vẫn mang nét trữ tình sâu lắng. Sau những “rầm rộ”, “cuộn xoáy”, con sống đã dần trở nên “dịu dàng” hơn, đằm thắm hơn để rồi có thể làm “say đắm” bất cứ chàng trai nào khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó “giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”.
Đặc sắc nhất đó là vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dã của rừng già đã đem đến cho nó một vẻ đẹp mà trong suy cảm của nhà văn giống như một “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”. Chúng ta đã biết đến những cô gái Di-gan là những người thích sống lang thang, tự do và yêu ca hát. Họ là những người thiếu nữ có vẻ đẹp man dại đầy quyến rũ. Khi so sánh con sông với những cô gái Di-gan, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc vào tâm trí người đọc một ấn tượng mạnh về vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng rất thiếu nữ, rất tình tứ của con sông. Một vẻ đẹp tự do, phóng khoáng và đầy hấp dẫn.
Nhà văn muốn đem đến cho bạn đọc một cái nhìn sâu hơn, muốn “ghi công” sông Hương như một “đấng sáng tạo” đã góp phần tạo nên, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của một vùng thiên nhiên xứ sở. Nếu như bấy lâu nay, chúng ta mới chỉ nhìn sông Hương ở vẻ đẹp bên ngoài. Nhưng lại quên mất đi nó còn là nơi khởi nguồn, một sự bắt đầu của một không gian văn hóa - văn hóa Huế. Dòng sông “trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” có nghĩa là nó duy trì và bồi đắp “phù sa” cho cả một vùng văn hóa được hình thành hai bên bờ sông. Vậy nhưng “dòng sông hình như không muốn bộc lộ” cái công lao to lớn ấy. Nó đã âm thầm chảy và đã lặng lẽ cống hiến cho Huế nhiều thế kỷ: “Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. Khi đọc câu văn, người đọc mới thấy hết được nét độc đáo trong ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhà văn đã cho thấy chiều sâu vẻ đẹp và “nhân cách” của dòng sông, là nét “tính cách” đáng trân trọng của Hương giang mà Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn khắc họa.
Như vậy, con sông Hương ở thượng nguồn được nhà văn khắc họa thật độc đáo. Bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã giúp người đọc hiểu hơn về nét đẹp của sông Hương - một biểu tượng của thành phố Huế.
Câu 2. Chỉ ra yếu tố tự sự, yếu tố trữ tình và tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó trong đoạn văn: “Từ đây, như đã tìm được đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên... chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”. Tìm và phân tích một vài đoạn khác trong văn bản có đặc điểm tương tự.
Hướng dẫn giải:
- Yếu tố tự sự:
- Từ đây, như đã tìm… không nói ra của tình yêu
- Tôi đã đến Lê-nin-grát… ngang qua thành phố
- Yếu tố trữ tình:
- như đã tìm… ngoại ô Kim Long
- sông Hương uốn một cánh cung… của tình yêu.
- Ôi, tôi muốn… ra biển.
- Lúc ấy, tôi nhớ… một nỗi lòng
- Tác dụng: làm cho hình tượng sông Hương trong đoạn văn trở nên sinh động, gợi cảm, vừa trực tiếp bộc lộ tình cảm của tác giả dành cho dòng sông.
Câu 3. Phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.
Hướng dẫn giải:
- Các biện pháp tu từ trong văn bản là: đối lập (tương phản), so sánh, nhân hóa.
- Tác dụng của những biện pháp nghệ thuật ấy là:
- Nghệ thuật đối lập (tương phản) nhằm làm nổi bật vẻ độc đáo của dòng sông.
- Nghệ thuật so sánh, nhân hóa khiến sông Hương trở nên sinh động, có hồn, dòng sông gần với tâm hồn của con người xứ Huế.
Câu 4. Nhận xét về cách thể hiện cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm.
Hướng dẫn giải:
Nhận xét:
- Từ ngữ, bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc, đánh giá, nhận xét dành cho sông Hương, xứ Huế.
- Cách lựa chọn từ ngữ, hình tượng khắc họa sông Hương, xứ Huế.
- Những liên tưởng thú vị, tài hoa, tinh tế và độc đáo dành cho sông Hương, xứ Huế.
- Cách nhìn nhận, khám phá đối tượng,...
=> Thể hiện xuyên suốt tác phẩm, bộc lộ vừa trực tiếp vừa gián tiếp.
Câu 5. Theo bạn, vai trò của sông Hương trong tư cách “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” được nói đến trong đoạn đầu có được thể hiện trong phần còn lại của văn bản hay không? Dựa vào đâu để khẳng định như vậy?
Hướng dẫn giải:
- Sông Hương được xem là cội nguồn sinh thành, không gian tồn tại của nền âm nhạc cổ điển xứ Huế.
- Không gian bờ sông là nơi lưu trữ nét văn hóa rất riêng của xứ Huế.
- Vẻ đẹp phong phú, biến ảo của dòng sông đã khiến nó luôn biết cách làm mới mình, tạo nên sức hút không ngừng.
Câu 6. Việc tác giả có những phát hiện đặc biệt về sông Hương đã đem đến cho bạn bài học gì về cách quan sát, cảm nhận cuộc sống xung quanh.
Hướng dẫn giải:
Bài học:
- Cần nuôi dưỡng tình yêu tha thiết với thiên nhiên.
- Tiếp cận, khám phá ở nhiều góc độ khác nhau.
- Vận dụng tri thức khoa học để hiểu rõ hơn về đối tượng.
* Bài tập sáng tạo: Làm một bài thơ, vẽ một bức tranh,... về hình tượng sông Hương (hoặc về sông núi quê hương của bạn).
Học sinh tự làm.
- Văn mẫu lớp 8: Tóm tắt tác phẩm Vắt cổ chày ra nước với 4 bài tóm tắt ngắn gọn, súc tích và đầy đủ ý nghĩa
- Bài đọc: Ngựa biên phòng - Tiếng Việt 4 Kết nối tri thức, Tập 2, Bài 16
- Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề - Ngữ văn lớp 6 trang 41 sách Cánh Diều tập 2: Hướng dẫn chi tiết và sáng tạo
- Nói và nghe: Kể chuyện Chiếc ví - Bài 3, Tiếng Việt lớp 4, sách Cánh diều tập 1
- Viết đoạn văn tả cây cối kèm hình ảnh nhân hóa (4 mẫu tham khảo) - Tập làm văn lớp 4 bộ sách Cánh diều