Đề cương ôn tập giữa kì 1 môn Ngữ văn 6 năm 2024 - 2025 (Sách mới) - Tổng hợp đề thi giữa kì 1 Văn 6 bộ sách Cánh Diều, Chân Trời Sáng Tạo, Kết Nối Tri Thức
Đề cương ôn tập giữa kì 1 môn Ngữ Văn lớp 6 năm 2024 - 2025 dành cho bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Cánh Diều và Chân trời sáng tạo, được thiết kế nhằm giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi giữa học kì 1.
Bên cạnh đó, đề cương này cũng là nguồn tài liệu hữu ích dành cho giáo viên trong việc xây dựng và phân phối đề ôn tập giữa kì 1 môn Văn 6. Thầy cô và các em học sinh có thể tham khảo chi tiết bài viết dưới đây từ EduTOPS để đạt kết quả cao trong kỳ thi giữa học kì 1 năm 2024 - 2025.
1. Đề cương ôn thi giữa kì 1 môn Ngữ Văn 6 - Bộ sách Cánh Diều
Trọng tâm ôn tập giữa học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 6
I. PHẦN VĂN BẢN:
1. Văn bản truyện:
Thánh Gióng; Thạch Sanh.
* Yêu cầu:
- Hiểu rõ khái niệm về truyền thuyết và cổ tích.
- Tóm tắt được nội dung chính của các truyện.
- Nhận diện các yếu tố hình thức như chi tiết, cốt truyện, nhân vật, yếu tố kì ảo, và nội dung như đề tài, chủ đề, ý nghĩa.
- Phân tích và cảm nhận các chi tiết nghệ thuật đặc sắc, nhân vật trong truyện.
2. Văn bản thơ:
À ơi tay mẹ; Về thăm mẹ; Ba bài ca dao về tình cảm gia đình.
* Yêu cầu:
- Nắm vững đặc điểm của thể thơ lục bát và khái niệm ca dao.
- Hiểu về tác giả và hoàn cảnh sáng tác.
- Nhận biết các yếu tố hình thức như vần, nhịp, và nội dung như đề tài, chủ đề, cảm xúc.
- Thuộc lòng các bài thơ và phân tích nội dung, nghệ thuật chính.
- Cảm nhận và phân tích các câu thơ, đoạn thơ đặc sắc.
3. Bảng hệ thống hóa thông tin về các văn bản đọc
Bài | Văn bản | Tác giả | Loại, thể loại | Đặc điểm nổi bật | |
Nội dung | Hình thức | ||||
1 | Thánh Gióng | ? | Truyện truyền thuyết | Hình tượng Thánh Gióng với nhiều sắc màu thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời là sự thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống giặc ngoại xâm. | Xây dựng nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo tạo nên sức hấp dẫn cho truyền thuyết. |
Thạch Sanh | ? | Truyện cổ tích | Truyện cổ tích về người dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân, bội nghĩa và chống quân xâm lược. Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta. | - Sử dụng nhiều chi tiết tưởng tượng thần kì độc đáo và giàu ý nghĩa (sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh, cung tên vàng, cây đàn thần, niêu cơm thần…). - Xây dựng hai nhân vật đối lập. | |
Sự tích Hồ Gươm | ? | Truyện truyền thuyết | Ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo ở đầu thế kỉ XV. Truyện cũng nhằm giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình dân tộc. | Sử dụng nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo, giàu ý nghĩa. | |
2 | À ơi tay mẹ | Bình Nguyên | Thơ lục bát | Bài thơ bày tỏ tình cảm của người mẹ với đứa con nhỏ bé của mình. Qua hình ảnh đôi bàn tay và những lời ru, bài thơ đã khắc họa thành công một người mẹ Việt Nam điển hình: vất vả, chắt chiu, yêu thương, hi sinh...đến quên mình. | - Thể thơ lục bát nhịp nhàng như lối hát ru con. - Phối hợp hài hòa các biện pháp tu từ: ẩn dụ, điệp từ, điệp cấu trúc. |
Về thăm mẹ | Đinh Nam Khương | Thơ lục bát | Bài thơ thể hiện tình cảm của người con xa nhà trong một lần về thăm mẹ mình. Mặc dù mẹ không ở nhà nhưng hình ảnh mẹ hiễn hữu trong từng sự vật thân thuộc xung quanh. Mỗi cảnh, mỗi vật đều biểu hiện sự vất vả, sự tần tảo, hi sinh và đặc biệt là tình thương yêu của mẹ dành cho con. | - Thể thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm. - Kết hợp thành công các biện pháp tu từ: ẩn dụ, liệt kê. | |
Ca dao Việt Nam | Thơ dân gian lục bát | Ba bài ca dao trong văn bản thể hiện tình cảm gia đình: đó là tình cảm giữa cha mẹ với con, tình cảm cội nguồn và tình cảm anh em. | - Thể thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm. - Sử dụng thành công biện pháp tu từ so sánh. | ||
3 | Trong lòng mẹ | Nguyên Hồng | Hồi kí | Đoạn văn kể lại một cách chân thực và cảm động những cay đắng và tủi cực cùng tình yêu thương cháy bỏng của nhà văn thời thơ ấu đối với người mẹ bất hạnh, đáng thương của mình. | - Lời văn nhẹ nhàng, tình cảm, giàu hình ảnh và chan chứa cảm xúc. - Mạch truyện, mạch cảm xúc tự nhiên, chân thực. - Kết hợp lời văn kể chuyện với miêu tả, biểu cảm. - Khắc họa thành công hình tượng nhân vật bé Hồng thông qua lời nói, hành động, tâm trạng sinh động chân thật. |
Đồng Tháp Mười mùa nước nổi | Văn Công Hùng | Du kí | Tác giả đã kể về trải nghiệm của bản thân khi được đến vùng đất Đồng Tháp Mười. Đó là một chuyến thú vị, tác giả đã được tìm hiểu nhiều hơn về cảnh vật, thiên nhiên, di tích, ẩm thực và cả con người nơi đây. | Thể loại du kí ghi lại trải nghiệm về vùng đất mới. | |
Thời thơ ấu của Hon-đa | Hon-đa Sô-i-chi-rô | Hồi kí | Đoạn trích kể về tuổi thơ sớm nhận ra hứng thú của Hon-đa với máy móc, kĩ thuật. Đồng thời, tác phẩm cũng nêu lên ước mộng của tác giả, một trong những yếu tố liên quan đến sự nghiệp của ông sau này. | Tác phẩm viết theo thể hồi kí khiến câu chuyện trở nên chân thực; sự việc, số liệu, thời gian chính xác, ngôi kể phù hợp bộc lộ được những suy nghĩ tình cảm lồng ghép trong mỗi câu chuyện hồi tưởng lại. |
II. PHẦN TIẾNG VIỆT:
- Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy); Biện pháp tu từ; Biện pháp tu từ ẩn dụ.
* Yêu cầu chung:
- Nắm chắc các khái niệm, phân loại, và tác dụng.
- Ôn lại các bài tập trong sách giáo khoa.
- Áp dụng kiến thức vào việc đặt câu, viết đoạn văn, và bài tập làm văn.
III. PHẦN TẬP LÀM VĂN:
Văn tự sự.
* Yêu cầu chung:
- Nắm vững phương pháp xây dựng bài văn tự sự.
- Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích đã học, đọc hoặc nghe qua hình thức nói hoặc viết.
- Biết cách kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của bản thân.
Đề cương ôn tập giữa học kì 1 môn Ngữ Văn 6
A. LÍ THUYẾT
I. PHẦN VĂN BẢN
1. Văn bản truyện:
Thánh Gióng; Thạch Sanh.
*Khái niệm truyện truyền thuyết và cổ tích:
Truyện truyền thuyết | Truyện cổ tích |
Truyện truyền thuyết là loại truyện dân gian, có yếu tố hoang đường, kì ảo, kể về các sự kiện và nhân vật liên quan đến lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc phong tục, cảnh vật địa phương theo quan niệm của nhân dân. | Truyện cổ tích là loại truyện dân gian, thường có yếu tố hoang đường, kì ảo, kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật như: nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh, nhân vật bất hạnh, nhân vật ngốc nghếch, người mang lốt vật,...nhằm thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu... |
a. Thánh Gióng:
* Thể loại: Truyện truyền thuyết.
* Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.
* Ngôi kể: ngôi thứ ba.
* Nhân vật: Cậu bé Gióng (nhân vật chính), mẹ, sứ giả, giặc Ân, nhà vua, dân làng...
* Những sự việc chính:
- Sự ra đời kỳ lạ của Thánh Gióng.
- Thánh Gióng biết nói và nhận nhiệm vụ đánh giặc.
- Thánh Gióng lớn nhanh một cách thần kỳ.
- Thánh Gióng vươn vai thành tráng sĩ, cưỡi ngựa sắt đánh tan giặc Ân.
- Vua phong danh hiệu Phù Đổng Thiên Vương và những dấu tích còn lại của Thánh Gióng.
* Nghệ thuật, nội dung:
- Nghệ thuật:
- Xây dựng hình tượng người anh hùng cứu nước với những yếu tố thần kỳ, giàu chi tiết tưởng tượng và ý nghĩa sâu sắc.
- Truyện gắn liền với phong tục, địa danh và những chi tiết kỳ lạ, khác thường.
- Nội dung:
- Thánh Gióng là biểu tượng cao đẹp của người anh hùng chống giặc, thể hiện quan niệm của nhân dân.
- Thánh Gióng là hiện thân của ước mơ về sức mạnh tự cường của dân tộc.
- Truyện phản ánh lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta thời kỳ Hùng Vương.
- Hiện nay, đền thờ Thánh Gióng tại Gia Lâm, Hà Nội vẫn còn, và hàng năm tổ chức lễ hội Gióng.
- Cảm nhận chi tiết: Tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói đòi đi đánh giặc.
Ý nghĩa:
- Ca ngợi ý thức đánh giặc cứu nước trong hình tượng Gióng. Ý thức này được đặt lên hàng đầu đối với người anh hùng.
- Ý thức đánh giặc cứu nước tạo nên những khả năng và hành động phi thường, thần kỳ cho người anh hùng.
b. Thạch Sanh:
* Thể loại: Truyện cổ tích
* Phương thức biểu đạt chính: Tự sự
* Ngôi kể: ngôi thứ ba
* Nhân vật: Thạch Sanh - Kiểu nhân vật dũng sĩ (mồ côi, có tài năng kỳ lạ), Lí Thông, Mẹ Lí Thông, Công Chúa, Thái tử con vua Thủy tề, Chằn Tinh, Đại Bàng, quân 18 nước chư hầu.
* Những sự việc chính:
- Thạch Sanh ra đời.
- Thạch Sanh lớn lên và học võ cùng phép thần thông.
- Thạch Sanh kết nghĩa anh em với Lí Thông.
- Mẹ con Lí Thông lừa Thạch Sanh đi chết thay.
- Thạch Sanh diệt chằn tinh nhưng bị Lí Thông cướp công.
- Thạch Sanh diệt đại bàng cứu công chúa, lại bị cướp công.
- Thạch Sanh diệt hồ tinh, cứu thái tử nhưng bị vu oan vào tù.
- Thạch Sanh được giải oan và cưới công chúa.
- Thạch Sanh chiến thắng quân 18 nước chư hầu và lên ngôi vua.
* Nội dung, nghệ thuật:
- Nghệ thuật:
- Sử dụng các chi tiết thần kỳ, tạo nên sự hấp dẫn và kỳ ảo cho câu chuyện.
- Sắp xếp các tình tiết một cách tự nhiên, hợp lý, giúp câu chuyện mạch lạc và dễ theo dõi.
- Nội dung:
Kể về người dũng sĩ Thạch Sanh, người đã diệt chằn tinh, đại bàng để cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa và đánh bại quân xâm lược.
- Ý nghĩa:
Thể hiện ước mơ và niềm tin của nhân dân vào sự chiến thắng của cái thiện, của những con người chính nghĩa và lương thiện.
* Cảm nhận chi tiết:
- Tiếng đàn thần kỳ:
- Tiếng đàn giúp giải oan và giải thoát nhân vật. Nhờ tiếng đàn, công chúa khỏi bệnh câm, Thạch Sanh được giải thoát, và Lí Thông bị vạch mặt. Đó là tiếng đàn của công lý, thể hiện quan niệm và ước mơ về công lý của nhân dân.
- Tiếng đàn khiến quân 18 nước chư hầu phải đầu hàng. Tiếng đàn đại diện cho cái thiện và tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc, trở thành vũ khí đặc biệt để cảm hóa kẻ thù.
- Niêu cơm thần kỳ:
- Niêu cơm có sức mạnh phi thường, ăn hết lại đầy, khiến quân 18 nước chư hầu từ chỗ coi thường chuyển sang ngạc nhiên và khâm phục.
- Niêu cơm với lời thách đố của Thạch Sanh và sự thua cuộc của quân sĩ 18 nước chư hầu thể hiện tính chất kỳ lạ của niêu cơm và tài năng của Thạch Sanh.
- Niêu cơm thần kỳ tượng trưng cho tấm lòng nhân đạo và tư tưởng yêu chuộng hòa bình của nhân dân.
2. Văn bản thơ:
À ơi tay mẹ; Về thăm mẹ; Ba bài ca dao về tình cảm gia đình.
* Đặc điểm thể thơ lục bát:
- Dòng thơ: gồm các câu thơ 6 tiếng và 8 tiếng xen kẽ.
- Bài thơ được gieo vần đặc trưng: tiếng thứ 6 của dòng lục gieo vần xuống tiếng thứ 6 của dòng bát; tiếng thứ 8 của dòng bát gieo vần xuống tiếng thứ 6 của dòng lục tiếp theo.
- Nhịp thơ: ngắt nhịp chẵn 2/2/2 hoặc 4/4.
a. À ơi tay mẹ
* Tác giả: Bình Nguyên.
* Thể loại: thể thơ lục bát.
* Nội dung, ý nghĩa, nghệ thuật:
- Nội dung: Bài thơ thể hiện tình yêu thương vô bờ của người mẹ dành cho đứa con nhỏ bé của mình.
- Ý nghĩa: Qua hình ảnh đôi bàn tay và những lời ru, bài thơ khắc họa chân dung người mẹ Việt Nam điển hình: tần tảo, chịu thương chịu khó, yêu thương và hi sinh thầm lặng.
- Nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát nhịp nhàng, mang âm hưởng của lời ru.
- Sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ như ẩn dụ, điệp từ và điệp cấu trúc.
* Cảm nhận câu thơ: Đôi bàn tay trước giông tố cuộc đời:
Bàn tay mẹ: chắn mưa sa, chắn bão qua mùa màng
-> Hình ảnh người mẹ mạnh mẽ, kiên cường, đứng vững trước mọi khó khăn để bảo vệ con.
b. Về thăm mẹ:
* Tác giả: Đinh Nam Khương
* Thể loại: thể thơ lục bát.
* Nội dung, ý nghĩa, nghệ thuật:
- Nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát;
- Kết hợp hài hòa các biện pháp tu từ như ẩn dụ, liệt kê, nhân hóa;
- Sử dụng từ láy đặc sắc.
- Nội dung: Bài thơ thể hiện tình cảm của người con xa nhà trong một lần về thăm mẹ.
- Ý nghĩa:
- Tình yêu thương vô bờ của cha mẹ dành cho con được thể hiện qua những điều giản dị, bình thường nhất;
- Mỗi chúng ta cần biết yêu thương, trân trọng, biết ơn và hiếu thảo với cha mẹ của mình.
* Cảm nhận dòng thơ “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn...”
Dấu ba chấm cuối dòng thơ:
- Thể hiện sự nghẹn ngào không nói nên lời, những cảm xúc chất chứa trong lòng.
- Câu thơ như kéo dài nỗi nhớ và tình yêu thương của người con dành cho mẹ.
- Tạo khoảng lặng và dư âm sâu lắng trong lòng người đọc.
-> Thể hiện sự xúc động nghẹn ngào, tình yêu thương và lòng biết ơn sâu sắc của tác giả dành cho mẹ.
c. Ba bài ca dao nói về tình cảm gia đình.
* Khái niệm ca dao:
- Ca dao là một thể loại thơ ca dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam.
- Ca dao sử dụng nhiều thể thơ, trong đó phổ biến nhất là thể lục bát. Mỗi bài ca dao thường có ít nhất hai dòng.
- Ca dao thể hiện nhiều khía cạnh tình cảm, đặc biệt là tình cảm gia đình.
* Nội dung, nghệ thuật:
- Nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát.
- Âm điệu tha thiết, trữ tình.
- Sử dụng phép so sánh và đối xứng.
- Nội dung
Tình cảm dành cho ông bà, cha mẹ, anh em và tình cảm của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu luôn là những tình cảm thiêng liêng và sâu nặng nhất trong cuộc đời mỗi con người.
II. PHẦN TIẾNG VIỆT:
1. Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy):
- Từ đơn là từ chỉ gồm một tiếng.
Ví dụ: ông, bà, nói, cười, đi, mừng,...
- Từ phức là từ có hai hoặc nhiều tiếng.
Ví dụ: cha mẹ, hiền lành, hợp tác xã, sạch sẽ, sạch sành sanh,...
+ Từ ghép là từ phức được tạo thành từ hai hoặc nhiều tiếng có quan hệ về nghĩa với nhau.
Ví dụ: cha mẹ, hiền lành, khôn lớn, làm ăn,...; đỏ loè, xanh um, chịu khó, phá tan,...
+ Từ láy là từ phức được tạo thành từ hai hoặc nhiều tiếng có âm đầu hoặc vần (hoặc cả âm đầu và vần) giống nhau.
2. Biện pháp tu từ: Là cách sử dụng ngôn ngữ một cách đặc biệt (về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, văn bản) để làm cho lời văn trở nên hay hơn, đẹp hơn, nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm và tạo ấn tượng với người đọc.
3. Biện pháp tu từ ẩn dụ: Ẩn dụ là biện pháp tu từ, trong đó sự vật, hiện tượng này được gọi tên bằng sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó, nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
III. PHẦN TẬP LÀM VĂN:
1. Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích đã học (hoặc đã đọc, đã nghe) bằng các hình thức nói và viết.
* Các bước:
B1. Chuẩn bị
B2. Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý: Trả lời các câu hỏi như:
- Nội dung chính của truyện.
- Các sự kiện và nhân vật chính trong truyện.
- Diễn biến của truyện: mở đầu - phát triển - kết thúc.
- Các chi tiết, hình ảnh, yếu tố biểu cảm, miêu tả có thể bổ sung.
- Thay đổi kết thúc truyện (nếu có).
- Suy nghĩ và cảm xúc của bản thân sau khi đọc truyện.
- Lập dàn ý:
- Mở bài: Giới thiệu về truyện.
- Thân bài: Kể lại truyện bằng lời văn của mình theo các sự việc.
- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về truyện và nhân vật chính.
B3. Viết bài
- Kể theo dàn ý đã lập.
- Kể bằng lời văn của bản thân.
B4. Kiểm tra và chỉnh sửa bài viết
Đọc lại và sửa chữa bài viết.
2. Kể về một trải nghiệm đáng nhớ.
* Định hướng:
- Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của em về người thân trong gia đình (ông, bà, cha, mẹ,…) là kể về một sự việc, hành động,… của người ấy mà em đã chứng kiến và có ấn tượng sâu sắc.
- Người kể sử dụng ngôi thứ nhất, xưng “tôi”.
B1. Chuẩn bị
B2. Tìm ý và lập dàn ý
Lập dàn ý:
- Mở đầu: Giới thiệu về người thân và sự việc, tình huống mà người thân để lại ấn tượng sâu sắc trong em.
- Nội dung chính: Lựa chọn và sắp xếp các ý tìm được theo trình tự hợp lý, kể lại diễn biến câu chuyện:
- Thời gian, không gian;
- Ngoại hình, tâm trạng;
- Hành động, cử chỉ;
- Lời nói, thái độ;
- Tình cảm, cảm xúc của em trước hành động, sự việc đó.
- Kết thúc:
- Phát biểu suy nghĩ của em về tấm lòng của người thân đối với mình;
- Bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ từ người nghe về trải nghiệm.
B3. Viết bài
- Kể theo dàn ý đã lập.
- Kể bằng lời văn của bản thân.
B4. Kiểm tra và chỉnh sửa bài viết
Đọc lại và sửa chữa bài viết.
Câu hỏi ôn tập giữa học kì 1 môn Văn 6 Cánh diều
Câu 1: Thống kê tên các thể loại, kiểu văn bản và tên văn bản cụ thể đã học trong sách Ngữ văn 6, tập 1.
- Văn bản văn học:
+ Truyện (Truyền thuyết và Cổ tích): Thánh Gióng; Sự tích Hồ Gươm; Thạch Sanh
+ Thơ lục bát: À ơi tay mẹ (Bình Nguyên); Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương).
Câu 2: Nêu nội dung chính của các văn bản đọc hiểu (Từ tuần 1 đến tuần 7) trong sách Ngữ văn 6, tập 1 theo bảng sau:
Loại | Tên văn bản | Nội dung chính |
Văn bản văn học | - Thánh Gióng.
- Thạch Sanh.
- Sự tích Hồ Gươm.
- À ơi tay mẹ (Bình Nguyên)
- Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương)
| - Hình tượng Thánh Gióng với nhiều màu sắc thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời là sự thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm. - Thạch Sanh là truyện cổ tích về người dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa và chống quân xâm lược. Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta. - Truyện Sự tích hồ Gươm ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo ở đầu thế kỉ XV. Truyện cũng nhằm giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc. - À ơi tay mẹ (Bình Nguyên) là bài thơ bày tỏ tình cảm của người mẹ với đứa con nhỏ bé của mình. Qua hình ảnh đôi bàn tay và những lời ru, bài thơ đã khắc họa thành công một người mẹ Việt Nam điển hình: vất vả, chắt chiu, yêu thương, hi sinh...đến quên mình. - Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương) là bài thơ thể hiện tình cảm của người con xa nhà trong một lần về thăm mẹ mình. Mặc dù mẹ không ở nhà nhưng hình ảnh mẹ hiễn hữu trong từng sự vật thân thuộc xung quanh. Mỗi cảnh, mỗi vật đều biểu hiện sự vất vả, sự tần tảo, hi sinh và đặc biệt là tình thương yêu của mẹ dành cho con. |
Câu 3: Nêu những điểm cần chú ý về cách đọc truyện (truyền thuyết, cổ tích), thơ (lục bát).
Thể loại | Chú ý về cách đọc |
Truyện (truyền thuyết, truyện cổ tich) | - Nhận biết được văn bản kể chuyện gì, có những nhân vật nào, ai là người được chú ý nhất, những chi tiết nào đáng nhớ. - Nắm được trình tự diễn ra của các sự việc và mối quan hệ của các sự việc ấy; mở đầu và kết thúc truyện có gì đặc biệt,.. - Nhận biết được chủ đề của truyện, chỉ ra được sự liên quan của chủ đề ấy với cuộc sống hiện nay của bản thân các em. |
Thơ | - Nhận biết được một số yếu tố hình thức nổi bật của bài thơ (nhan đề, dòng thơ, khổ thơ, vần và nhịp, hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ,...) - Hiểu được bài thơ là lời của ai? nói về ai, về điều gì? ; nói bằng cách nào; cách nói ấy có gì độc đáo, đáng nhớ. - Chỉ ra được tình cảm, cảm xúc của người viết và những tác động của chúng đến suy nghĩ và tình cảm người đọc. |
Câu 4: Thống kê tên các kiểu văn bản và yêu cầu luyện viết các kiểu văn bản đó trong sách Ngữ văn 6, tập 1 theo mẫu sau:
- Viết được bài hoặc đoạn văn kể về một kỉ niệm của bản thân.
- Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.
- Tập làm thơ lục bát.
- Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ.
Câu 5: Nêu các bước tiến hành một văn bản, chỉ ra nhiệm vụ của mỗi bước:
Thứ tự các bước | Nhiệm vụ cụ thể |
Bước 1: Chuẩn bị | - Thu thập, lựa chọn tư liệu và thông tin về vấn đề sẽ viết. |
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý | - Tìm ý cho bài viết và phát triển các ý bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi, sắp xếp các ý có một bố cục rành mạch, hợp lí. - Lập dàn bài ( có thể bằng sơ đồ tư duy) đầy đủ 3 bước: Mở bài, thân bài, kết bài. |
Bước 3: Viết | Diễn đạt các ý đã ghi trong bố cục thành những câu, đoạn văn chính xác, trong sáng, có mạch lạc và liên kết chặt chẽ với nhau. |
Bước 4: Kiểm tra và chỉnh sửa | Kiểm tra lại văn bản để xem có đạt các yêu cầu đã nêu chưa và cần sữa chữa gì không. |
Câu 6: Nêu tác dụng của việc tập làm thơ lục bát và tập viết bài văn kể một truyện cổ tích hoặc truyền thuyết bằng lời văn của em.
- Tác dụng của làm thơ theo thể thơ lục bát giúp nắm được cách gieo vần, phối thanh, ngắt nhịp một cách linh hoạt, phong phú và đa dạng trong khả năng diễn đạt, thể hiện sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam.
- Tập viết bài văn kể giúp rèn luyện kỹ năng viết văn tự sự, kể lại truyện cổ tích hoặc truyền thuyết bằng lời văn của em, giúp các em diễn đạt câu chuyện một cách phù hợp, trong sáng, cả trong văn viết và văn nói.
Câu 7: Nêu các nội dung chính được rèn luyện trong kỹ năng nói và nghe từ tuần 1 đến tuần 7 ở sách Ngữ văn 6, tập 1. Các nội dung nói và nghe có liên quan gì đến nội dung đọc hiểu và viết?
- Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích.
→ Học nói và nghe giúp chúng ta rèn luyện kỹ năng tiếp thu thông tin, cả về thái độ và tình cảm khi nghe và nói, vận dụng vào bài viết và rút ra bài học từ việc đọc hiểu vấn đề.
Câu 8: Liệt kê tên các nội dung tiếng Việt được học thành mục riêng trong sách Ngữ văn 6, tập 1 theo bảng sau:
- Bài 1: Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy).
- Bài 2: Biện pháp tu từ, biện pháp tu từ ẩn dụ.
Đề tham khảo ôn thi giữa kì 1 môn Ngữ văn 6
Bài 1:
Đọc đoạn văn:
“Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ bèn sai sứ giả đi khắp nơi rao tìm người tài giỏi cứu nước. Đứa bé nghe tiếng rao, bỗng dưng cất tiếng nói: ‘Mẹ ra mời sứ giả vào đây’. Sứ giả vào, đứa bé bảo: ‘Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt, một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này’. Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn”.
(Trích ngữ văn 6 – Tập 1)
Câu 1. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào, thuộc thể loại truyện gì của văn học dân gian?
Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn.
Câu 3. Câu ‘Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua’ có bao nhiêu từ đơn, bao nhiêu từ ghép, bao nhiêu từ láy?
Câu 4. Những câu nói của chú bé trong đoạn văn trên có ý nghĩa gì?
Bài 2:
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Mùa xuân trở dạ dịu dàng
hoa khe khẽ hé nhẹ nhàng hương bay
Nhẹ nhàng lộc cựa nách cây
Dịu dàng vương dải tím mây ngang chiều
(Trích Dịu và nhẹ - Nguyễn Duy, Về, NXB Hội nhà văn, 1994)
Câu 1. Chỉ ra các từ láy có trong đoạn thơ.
Câu 2. Đoạn thơ trên sử dụng các biện pháp tu từ nào?
Câu 3. Viết đoạn văn (khoảng 5-10 dòng) phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa có trong đoạn thơ.
Bài 3: Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
MẸ
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi
Nhà em vẫn tiếng ạ ời,
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru.
Lời ru có gió mùa thu,
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.
Những ngôi sao thức ngoài kia,
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn,
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
(Trần Quốc Minh)
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? Hãy nêu đặc điểm của thể thơ em vừa tìm được.
Câu 2. Ghi lại 4 từ ghép có trong bài thơ trên.
Câu 3. Hai câu thơ: ‘Những ngôi sao thức ngoài kia/Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con’ sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 4. Bài thơ trên thể hiện tình cảm gì?
Bài 4: Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
(Ca dao)
Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? Bài ca dao trên thể hiện tình cảm gì?
Câu 2. Em hãy ghi lại hai từ đơn và hai từ ghép có trong đoạn thơ trên.
Câu 3. Câu thơ ‘Công cha như núi Thái Sơn’ sử dụng phép tu từ nào? Tác dụng của phép tu từ đó?
Câu 4. Em hiểu câu thơ ‘Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con’ như thế nào?
Câu 5. Ý kiến của em về vai trò của gia đình đối với mỗi người?
2. Đề cương ôn thi giữa kì 1 môn Ngữ Văn 6 - Sách Kết nối tri thức với cuộc sống
A. Phần văn bản
1. Truyện và truyện đồng thoại
- Khái niệm:
- Truyện là một dạng tác phẩm văn học kể lại một câu chuyện, bao gồm cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian, và bối cảnh diễn ra các sự kiện.
- Truyện đồng thoại là thể loại truyện dành cho trẻ em, với nhân vật thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân cách hóa. Những nhân vật này vừa giữ lại đặc tính tự nhiên của chúng, vừa mang những nét tính cách của con người.
- Cốt truyện: là yếu tố cốt lõi của truyện kể, bao gồm các sự kiện chính được sắp xếp theo một trình tự logic, từ mở đầu, diễn biến, đến kết thúc.
- Người kể chuyện: là nhân vật do tác giả tạo ra để dẫn dắt câu chuyện. Có hai kiểu người kể chuyện phổ biến:
- Người kể chuyện ngôi thứ nhất: xưng “tôi” và trực tiếp tham gia vào câu chuyện.
- Người kể chuyện ngôi thứ ba (người kể chuyện ẩn mình): không tham gia vào câu chuyện nhưng biết rõ mọi diễn biến.
- Lời người kể chuyện: là phần thuật lại các sự kiện trong câu chuyện, bao gồm cả hành động của nhân vật và miêu tả bối cảnh không gian, thời gian.
- Lời nhân vật: là lời nói trực tiếp của nhân vật (đối thoại, độc thoại), có thể được trình bày riêng biệt hoặc kết hợp với lời người kể chuyện.
2. Thơ
Một số đặc điểm nổi bật của thơ:
- Thơ được sáng tác theo các thể thơ cụ thể, với quy tắc riêng về số tiếng và số dòng. Ví dụ:
- Thơ lục bát: gồm các cặp thơ, mỗi cặp có một câu lục (6 tiếng) và một câu bát (8 tiếng).
- Thơ thất ngôn bát cú: gồm 8 dòng, mỗi dòng 7 tiếng.
- Thơ thất ngôn tứ tuyệt: gồm 4 dòng, mỗi dòng 7 tiếng.
- Thơ ngũ ngôn tứ tuyệt: gồm 4 dòng, mỗi dòng 5 tiếng.
- Ngôn ngữ thơ: cô đọng, giàu nhạc điệu và hình ảnh, sử dụng nhiều biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ…
- Nội dung thơ: chủ yếu thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc sống.
- Các yếu tố trong thơ:
- Yếu tố tự sự (kể lại một sự việc hoặc câu chuyện cụ thể)
- Yếu tố miêu tả (tái hiện những đặc điểm nổi bật của đối tượng một cách sinh động)
→ Cả hai yếu tố này đều là công cụ giúp nhà thơ thể hiện tình cảm và cảm xúc một cách sâu sắc.
3. Miêu tả nhân vật trong truyện kể
- Ngoại hình: bao gồm những đặc điểm bên ngoài của nhân vật như dáng người, khuôn mặt, ánh mắt, làn da, mái tóc, và trang phục.
- Hành động: những cử chỉ và việc làm phản ánh cách nhân vật tương tác với bản thân và thế giới xung quanh.
- Ngôn ngữ: lời nói của nhân vật, được thể hiện qua đối thoại và độc thoại, giúp làm nổi bật tính cách và tâm lý nhân vật.
- Thế giới nội tâm: bao gồm những cảm xúc, tình cảm, và suy nghĩ sâu kín của nhân vật.
4. Văn bản
- Yêu cầu: tóm tắt nội dung chính, xác định nhân vật chính, người kể chuyện, đặc điểm nhân vật, tác giả, và xuất xứ của từng văn bản đã học.
- Các văn bản đã học: Bài học đường đời đầu tiên, Nếu cậu muốn có một người bạn, Bắt nạt, Chuyện cổ tích về loài người, Mây và sóng, Bức tranh của em gái tôi, Cô bé bán diêm, Gió lạnh đầu mùa, Con chào mào.
B. Phần thực hành tiếng Việt
1. Từ đơn và từ phức
- Từ đơn: là từ chỉ gồm một tiếng duy nhất.
- Từ phức: là từ bao gồm hai tiếng trở lên, được chia thành hai loại chính:
- Từ ghép: là từ phức được hình thành bằng cách kết hợp các tiếng có mối quan hệ về nghĩa với nhau.
- Từ láy: là từ phức mà các tiếng có mối quan hệ về âm, có thể lặp lại âm đầu, vần, hoặc cả âm đầu và vần.
2. Ẩn dụ
Là biện pháp tu từ dùng tên gọi của sự vật, hiện tượng này để chỉ sự vật, hiện tượng khác dựa trên nét tương đồng, nhằm tăng tính gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt.
3. Mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ
- Tác dụng của việc sử dụng cụm từ làm thành phần chính trong câu: giúp câu văn cung cấp thông tin chi tiết và phong phú hơn cho người đọc hoặc người nghe.
- Các loại cụm từ tiêu biểu: cụm danh từ, cụm tính từ, cụm động từ:
- Cụm danh từ bao gồm một danh từ chính và các từ bổ nghĩa đi kèm.
- Cụm động từ bao gồm một động từ chính và các từ bổ nghĩa đi kèm.
- Cụm tính từ bao gồm một tính từ chính và các từ bổ nghĩa đi kèm.
C. Đề ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn 6
Ma trận đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Mức độ /Tên chủ đề | Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Cộng | |
Vận dụng | Vận dụng cao | ||||
1. Văn học 1. Văn bản: Bài học đường đời đầu tiên | Nhận biết về tên tác phẩm, tác giả | - Hiểu nội dung đoạn trích - Rút ra được bài học cho bản thân | |||
Số câu Số điểm tỉ lệ% | Số câu: 1 Số điểm: 0,5 | Số câu: 2 Số điểm: 2 | Số câu: 0 Số điểm: 0 | Số câu: 0 Số điểm: 0 | Số câu: 3 Số điểm: 2,5 tỉ lệ%: 25% |
2. Tiếng Việt So sánh | - Chỉ ra câu văn có hình ảnh so sánh. | Xác định được kiểu so sánh. Tác dụng của phép so sánh. | |||
Số câu Số điểm tỉ lệ% | Số câu: 0,5 Số điểm: 0,5 | Số câu: 1,5 Số điểm: 1,5 | Số câu: 0 Số điểm: 0 | Số câu: 0 Số điểm: 0 | Số câu: 2 Số điểm: 2 tỉ lệ% 20% |
3. Tập làm văn. - Ngôi kể trong văn tự sự - Phương pháp kể chuyện | Ngôi kể trong văn bản tự sự. | Lí giải về ngôi kể. | Viết bài văn kể về một trải nghiệm của bản thân. | ||
Số câu Số điểm tỉ lệ% | Số câu: 1/2 Số điểm: 0,25 | Số câu: 1/4 Số điểm: 0,25 | Số câu: 0 Số điểm: 0 | Số câu: 1 Số điểm: 5,0 | Số câu: 2 Số điểm: 5,5 tỉ lệ% : 55% |
- Tổng số câu: - Tổng số điểm: - Tỉ lệ% | Số câu: 2,5 Số điểm: 2,25 Tỉ lệ : 22,5% | Số câu: 3,5 Số điểm: 2,75 Tỉ lệ 27,5% | Số câu: 0 Số điểm: 0 | Số câu: 1 Số điểm: 5 Tỉ lệ : 50% | Số câu: 7 Số điểm: 10 Tỉ lệ : 100% |
Đề thi giữa kì 1 môn Ngữ Văn lớp 6
PHÒNG GD&ĐT .......... | ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I NĂM 2024 - 2025 |
PHẦN I: ĐỌC- HIỂU (5 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi.
“Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi càng tôi trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.”
(Ngữ văn 6- Tập 1)
Câu 1. Đoạn trích trên được trích trong văn bản nào? Ai là tác giả?
Câu 2. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Vì sao em biết?
Câu 3. Tìm các câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh? Hãy cho biết phép tu từ so sánh đó thuộc kiểu so sánh nào?
Câu 4. Tác dụng của phép tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn trích trên?
Câu 5. Cho biết nội dung của đoạn trích trên?
Câu 6. Từ bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn. Em hãy rút ra bài học cho bản thân?
PHẦN II: VIẾT (5 điểm).
Kể lại một trải nghiệm của bản thân em.
Đáp án đề thi giữa kì 1 môn Ngữ Văn lớp 6 năm học 2022 - 2023
I. Các tiêu chí về nội dung bài kiểm tra phần đọc hiểu: 5,0 điểm | ||
Câu | Nội dung | Điểm |
Câu 1 | Đoạn trích được trích trong văn bản ”Bài học đường đời đầu tiên” Tác giả Tô Hoài | 0,25 0,25 |
Câu 2 | Đoạn trích được kể bằng ngôi thứ nhất. Người kể xưng tôi kể chuyện | 0,25 0,25 |
Câu 3 | Các câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh: - Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. ->So sánh ngang bằng. - Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. ->So sánh ngang bằng. | 0,25 0,5 0,25 0,5 |
Câu 4 | Tác dụng: Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. | 0,5 |
Câu 5 | Đoạn văn miêu tả vẻ đẹp cường tráng của Dế Mèn. Qua đó bộc lộ được tính cách của nhân vật. | 1,0 |
Câu 6 | Không nên huênh hoang tự mãn, biết thông cảm và chia sẻ, biết suy nghĩ và cân nhắc trước khi làm một việc gì. | 1,0 |
II. Các tiêu chí về nội dung bài viết: 4,0 điểm | ||
Mở bài | Giới thiệu sơ lược về trải nghiệm Dẫn dắt chuyển ý, gợi sự tò mò, hấp dẫn với người đọc. | 0,5 |
Thân bài | - Trình bày chi tiết về thời gian, không gian, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện. - Trình bày chi tiết những nhân vật liên quan. - Trình bày các sự việc theo trình tự rõ ràng, hợp lí. (Kết hợp kể và tả. Sự việc này nối tiếp sự việc kia một cách hợp lí). | 1,0 1,0 1,0 |
Kết bài | Nêu ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân. | 0,5 |
III. Các tiêu chí khác cho nội dung phần II viết bài văn: 1,0 điểm | ||
Trình bày sạch, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, ít mắc các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt. | 0,25 | |
Sử dụng ngôn ngữ kể chuyện chọn lọc, có sử dụng kết hợp biện pháp tu từ đã học để miêu tả. Ngôn ngữ giàu sức biểu cảm, bài viết lôi cuốn, hấp dẫn, cảm xúc. | 0,5 | |
Bài làm cần tập trung làm nổi bật hoạt động trải nghiệm của bản thân. Kể chuyện theo một trình tự hợp lý, logic giữa các phần, có sự liên kết. | 0,25 |
3. Đề cương ôn tập giữa học kì 1 môn Ngữ văn 6 - Sách Chân trời sáng tạo
A. Phần văn bản
1. Thể loại
a. Truyền thuyết:
- Nhân vật truyền thuyết:
- Thường có những điểm khác lạ về lai lịch, phẩm chất, tài năng, sức mạnh
- Thường gắn với sự kiện lịch sử và có công lớn đối với cộng đồng
- Được cộng đồng truyền tụng, tôn thờ
- Cốt truyện truyền thuyết:
- Thường xoay quanh công trạng, kì ích của nhân vật mà cộng đồng truyền tụng, tôn thờ
- Thường sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh khác thường của nhân vật
- Cuối truyện thường gợi nhắc các dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại
- Yếu tố kì ảo trong truyền thuyết:
- Là những chi tiết, hình ảnh kì lạ, hoang đường, là sản phẩm của trí tưởng tượng và nghệ thuật hư cấu dân gian
- Thường được sử dụng khi cần thể hiện sức mạnh của nhân vật truyền thuyết, phép thuật của thần linh
- Thể hiện nhận thức, tình cảm của nhân dân đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử
b. Truyện cổ tích
- Cốt truyện cổ tích: thường có yếu tố hoang đường, kì ảo, mở đầu bằng “Ngày xửa ngày xưa” và kết thúc có hậu.
- Cách kể: các sự kiện trong truyện cổ tích thường được kể theo trình tự thời gian
- Kiểu nhân vật truyện cổ tích: nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh… Với phẩm chất được thể hiện qua hành động cụ thể.
c. Thơ lục bát
- Khái niệm: là thể thơ có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. 1 cặp câu lục bát gồm 1 dòng 6 tiếng (dòng lục) và 1 dòng thơ 8 tiếng (dòng bát)
- Cách gieo vần: tiếng thứ 6 của dòng lục vần với tiếng thứ 6 của dòng bát; tiếng thứ 8 của dòng bát vần với tiếng thứ 6 của dòng lục tiếp theo.
- Cách ngắt nhịp: thường ngắt nhịp chẵn như 2/2/2, 2/4/2, 4/4…
- Thanh điệu:
Tiếng | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Câu lục | - | B | - | T | - | B | ||
Câu bát | - | B | - | T | - | B | - | B |
2. Văn bản
- Yêu cầu: tóm tắt văn bản, chỉ ra nội dung chính của văn bản, ý nghĩa của văn bản
- Các văn bản đã học: Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm, Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân, Bánh chưng bánh giầy, Sọ Dừa, Em bé thông minh, Truyện cổ nước mình, Non-bu và Heng-bu, Những câu hát dân gian về vẻ đẹp quê hương, Việt Nam quê hương ta, Về bài ca dao “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng…”, Hoa bìm.
B. Phần thực hành tiếng Việt
1. Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy)
- Từ đơn: là từ chỉ bao gồm một tiếng duy nhất.
- Từ phức: là từ được cấu tạo từ hai tiếng trở lên, bao gồm từ ghép và từ láy:
- Từ ghép là loại từ phức được hình thành bằng cách kết hợp các tiếng có mối quan hệ về nghĩa.
- Từ láy là loại từ phức có sự lặp lại âm đầu, vần, hoặc cả âm đầu và vần giữa các tiếng.
2. Thành ngữ
- Thành ngữ là một cụm từ cố định, được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ.
- Nghĩa của thành ngữ thường mang tính hình tượng và biểu cảm, được hiểu thông qua toàn bộ cụm từ.
3. Trạng ngữ
- Trạng ngữ là thành phần phụ trong câu, có chức năng bổ sung thông tin về thời gian, địa điểm, nguyên nhân, mục đích… của sự việc được đề cập.
- Phân loại: trạng ngữ chỉ thời gian, trạng ngữ chỉ nơi chốn, trạng ngữ chỉ nguyên nhân, trạng ngữ chỉ mục đích…
C. Đề ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn 6
Ma trận đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 6 sách Chân trời sáng tạo
Nội dung | MỨC ĐỘ NHẬN THỨC | Tổng số | |||
Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | |||
Mức độ thấp | Mức độ cao | ||||
I. Đọc- hiểu: Ngữ liệu: Thơ lục bát | - Nhận diện Thể loại VB đặc điểm - Phát hiện từ ghép | - Biện pháp tu từ, tác dụng. - Ý nghĩa câu thơ. - Hiểu t/cảm tác giả. | - Trình bày ý kiến về vấn đề... |
|
|
Số câu Số điểm Tỉ lệ % | Số câu: 2 Số điểm: 1,5 15 % | Số câu: 3 Số điểm: 2,5 25% | Số câu: 1 Số điểm: 1,0 10% |
| Số câu: 6 Số điểm: 5 Tỉ lệ %: 50 |
II. Viết Văn tự sự | Viết một bài văn kể chuyện |
| |||
Số câu Số điểm Tỉ lệ % |
|
|
| Số câu: 1 Số điểm: 5 50% | Số câu: 1 Số điểm: 5.0 Tỉ lệ %: 50 |
Tổng số câu Tổng điểm Phần % | Số câu: 2 Số điểm: 1,5 15% | Số câu: 3 Số điểm: 2,5 25% | Số câu: 1 Số điểm:1.0 10% | Số câu: 1 Số điểm: 5 50% | Số câu: 7 Số điểm: 10 100% |
Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn 6
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5 ĐIỂM)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
(Ca dao)
Câu 1 (1.0 điểm). Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? Bài ca dao trên thể hiện tình cảm gì?
Câu 2 (1.0 điểm). Ghi lại các 2 từ đơn, 2 từ ghép có trong đoạn thơ trên?
Câu 3 (1.0 điểm). Câu thơ “Công cha như núi Thái Sơn ” sử dụng phép tu từ nào? Tác dụng của phép tu từ đó?
Câu 4 (1.0 điểm). Em hiểu câu thơ “ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” như thế nào? (Trả lời khoảng 2 dòng).
Câu 5 (1.0 điểm). Ý kiến của em về vai trò của gia đình đối với mỗi người? (Trả lời khoảng 3 - 4 dòng).
PHẦN II. VIẾT (5 ĐIỂM)
Hãy kể lại một truyện cổ tích hoặc truyền thuyết mà em đã đọc hoặc nghe kể (lưu ý: không sử dụng các truyện có trong SGK Ngữ văn 6).
Đáp án đề thi giữa kì 1 môn Ngữ văn 6
I. Đọc hiểu | ||
1 (1.0 điểm). | - Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ lục bát - Bài ca dao trên thể hiện tình cảm của cha mẹ với con cái. | 0,5đ 0,5đ |
2 (1.0 điểm). | Ghi lại các 2 từ đơn: như, nước, chảy, ra, thờ, kính,... Ghi lại các 2 từ ghép :Công cha , Thái Sơn, nghĩa mẹ, ... | Mỗi từ đúng đạt 0,25đ |
3 (1.0 điểm). | - Câu “Công cha như núi Thái Sơn ” sử dụng phép so sánh - Tác dụng: ca ngợi công lao vô cùng to lớn của người cha... | 0,5đ 0,5đ |
4 (1.0 điểm). | Câu thơ “Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con ”là lời nhắn nhủ về bổn phận làm con. Công lao cha mẹ như biển trời, vì vậy chúng ta phải tạc dạ ghi lòng, biết sống hiếu thảo với cha mẹ. Luôn thể hiện lòng hiếu thảo bằng việc làm cụ thể như vâng lời, chăm ngoan, học giỏi, giúp đỡ cha mẹ... | 1.0 |
5 (1.0 điểm). | HS có thể trình bày một số ý cơ bản như: - Gia đình là nơi các thành viên có quan hệ tình cảm ruột thịt sống chung và gắn bó với nhau. Nói ta được nuôi dưỡng và giáo dục để trưởng thành. - Là điểm tựa tinh thần vững chắc cho mỗi cá nhân - Là gốc rễ hình thành nên tính cách con người - Trách nhiệm của mỗi cá nhân trong gia đình:xây dựng giữ gìn gia đình hạnh phúc đầm ấm... | 1,0đ HS kiến giải hợp lý theo cách nhìn nhận cá nhân vẫn đạt điểm theo mức độ thuyết phục... |
Phần II. Viết Hãy kể lại một truyện cổ tích hoặc truyền thuyết mà em đã đọc hoặc nghe kể ... | ||
a. Yêu cầu Hình thức | - Thể loại : Tự sự - Ngôi kể: Thứ 3. Truyện ngoài SGK. - Bố cục đầy đủ, mạch lạc. - Diễn đạt rõ ràng, biết hình thành các đoạn văn hợp lí. Không mắc lỗi về câu. - Rất ít lỗi chính tả. Ngôn ngữ trong sáng, có cảm xúc. | 1.0 đ |
b. Yêu cầu nội dung
| a. Mở bài: - Giới thiệu câu chuyện . | 0,5đ |
b. Thân bài: Kể lại diễn biến câu chuyện từ mở đầu đến kết thúc theo cốt truyện đã đọc/ nghe. - Đảm bảo đầy đủ các nhân vật và sự việc chính. - Đảm bảo thứ tự trước sau của sự việc. | 3,0đ | |
c. Kết bài: Kết thúc câu chuyện và nêu cảm nghĩ | 0,5đ | |
Tổng điểm | 10,0đ |
....
- Kể lại cho người thân câu chuyện về Bác Hồ theo nội dung đọc mở rộng trang 137 - Tiếng Việt 4 KNTT
- Viết đoạn văn miêu tả cây cối - Bài 5 Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Chân trời sáng tạo
- Viết đoạn văn miêu tả hoạt động hoặc đặc điểm ngoại hình của con vật yêu thích - Luyện tập kỹ năng viết văn miêu tả con vật trong chương trình Tiếng Việt 4 KNTT
- Hướng dẫn chi tiết các bước làm đồ chơi yêu thích dành cho học sinh lớp 4 (6 mẫu sáng tạo)
- Dàn ý miêu tả con vật qua màn ảnh nhỏ - Hướng dẫn chi tiết cho học sinh lớp 4 theo chương trình Kết Nối Tri Thức